THÔNG BÁO
PHÒNG TRỪ BỆNH BẠC LÁ, ĐỐM SỌC VI KHUẨN TRÊN
LÚA MÙA 2022
Hiện nay, các trà lúa mùa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh đến kết thúc đẻ nhánh, một số diện tích đang phân hóa đòng. Trong những ngày qua, thời tiết nắng nóng liên tục xen kẽ mưa dông tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại trên một số giống lúa nhiễm. HTX Dịch vụ nông nghiệp xin thông báo:
1. Diễn biến bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn
- Bệnh bạc lá, triệu chứng ban đầu thường phía bìa lá, chóp lá chuyển vàng trước, sau đó phần chóp vàng và hóp lại như mo cau, vết bệnh lan dần vào trong theo đường gợn sóng màu vàng, phần lá bị bệnh chuyển màu xanh tái, vàng lục. Khi phần mô lá nhiễm bệnh bị chết, lá sẽ bạc khô và xơ xác.
- Bệnh đốm sọc triệu chứng là những sọc nhỏ ngắn khác nhau, chạy dọc theo các gân lá. Lúc đầu vết sọc xanh trong giọt dầu, chuyển màu nâu, xung quanh sọc màu nâu có các quầng vàng. Nếu lá bị nhiều đốm sọc tập trung thì các quầng vàng liên kết nhau làm lá lúa bị vàng và khô cháy như bệnh bạc lá.
- Bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn đều do vi khuẩn gây nên, hiện nay bệnh đã phát sinh gây hại trên một số giống lúa như: lúa lai, BC-15, TBR225, VNR20, Bắc thơm số 7... đặc biệt trên diện tích lúa bón phân mất cân đối, bón lai dai, thừa đạm. Theo điều tra của HTX dịch vụ nông nghiệp, đến ngày 20/8/2022 diện tích nhiễm trong xã đã suất hiện ở một số khu vực như Cụm mái thôn Tế Cầu, khu Con Tôm thôn Đồng Lạc, tỷ lệ nhiễm trung bình 7-10 % số lá, nơi cao trên 30 % số lá, với cấp bệnh phổ biến C3- C5, nơi cao C7. Trong thời gian tới bệnh tiếp tục phát triển nhanh và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lúa nếu không được phòng trừ kịp thời.
- Ngoài ra bệnh khô vằn đã phát sinh gây hại rải rác trên diện tích lúa chân trũng cấy dầy, bón phân không cân đối, thừa đạm. Trong thời gian tới bệnh tiếp tục phát triển nhanh gây hại trên nhiều giống lúa và gây hại tới cuối vụ.
2. Biện pháp phòng trừ
- Đối với bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn
Để phòng trừ hiệu quả bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, các hộ nông dân cần phun phòng bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn sau mỗi trận mưa dông trên diện tích các giống lúa như: lúa lai, BC15, TBR225, Bắc Thơm 7, VNR20…,đặc biệt trên diện tích lúa bón phân mất cân đối, bón dư thừa đạm. Đối với diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh phải phun nhắc lại sau 3-5 ngày bằng một trong các loại thuốc sau: ToTan 200WP, Starner 20WP, Maplotus 125WP, Ychatot 900SP, Banking 110WP, Avikuan 102SP... Phun thuốc khi lá lúa đã khô để hạn chế lan truyền dịch vi khuẩn ra diện rộng (khi lúa đã bị bệnh bạc lá và bệnh đốm sọc vi khuẩn tuyệt đối không được bón thêm phân đạm và phun phân bón qua lá, kích thích sinh trưởng…).
- Đối với bệnh khô vằn: Phun thuốc khi bệnh chớm xuất hiện bằng một trong các loại thuốc nội hấp và lưu dẫn sau: Anvil 5SC, Amylatop 325SC, Amistartop 325SC (pha 15 ml thuốc cho 16-20 lít phun cho 1 sào), Topvil 50SC, Doctor 5ME, ...( pha 40 ml thuốc cho 16-20 lít phun cho 1 sào).
III. ĐỀ NGHỊ
1. Các thôn, đoàn thể chi hội
+ Tăng cường bám sát đồng ruộng, phối hợp chặt chẽ để điều tra, dự tính, dự báo và tuyên truyền, hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh kịp thời kịp thời, hạn chế việc nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật tràn lan không đúng diện tích, thời diểm, loại thuốc gây lãng phí và ô nhiễm môi truờng.
2. Đài phát thanh xã: Kịp thời tuyên truyền, đưa tin về diễn biến dịch hại và biện pháp phòng trừ tới các hộ nông dân.
Để đảm bảo hạn chế tình hình sâu bệnh đối với các trà lúa trên địa bàn xã có hiệu quả nay HTXDVNN tổ chức cung ứng, phân phối các loại thuốc đặc hiệu phục vụ bà con nhân dân chăm bón lúa mùa.
Địa điểm cung ứng tại cửa hàng HTXDVNN kính mong bà con nhân dân quan tâm HTXDVNN sẽ tạo điều phục vụ bà con nhân dân kịp kịp thời.
3. Các hộ nông dân chú ý theo dõi diễn biến dịch hại và biện pháp phòng trừ trên đài phát thanh huyện, xã; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng và thu gom bao bì sau khi sử dụng về đúng nơi quy định.
Nguồn: Đ/c Vũ Văn Kiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTXDVNN