Hưởng ứng ngày Dân số Thế giới 11/7/2023 với chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, tính đến ngày 29/6/2023 dân số Thế giới là 8.031.418.653 người, trong đó dân số Việt Nam là 99.694.772 người (chiếm 1,24% dân số thế giới, đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ, mật độ dân số là 322 người/km2). Theo dự báo, dân số thế giới sẽ đạt mốc 9 tỷ người vào năm 2037 và đạt 10 tỷ người vào năm 2057.
Ngày 11/7/1987, thế giới đã chào đón sự ra đời của công dân thứ 5 tỷ. Đứng trước những nguy cơ của việc bùng nổ dân số, diễn đàn Dân số Thế giới do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức tại Amsterdam (Thủ đô Hà Lan) tháng 11 năm 1989 đã quyết định lấy ngày 11/7 hàng năm là Ngày Dân số Thế giới để nhắc nhở các quốc gia và mỗi người trên trái đất về nguy cơ dân số tǎng quá nhanh, con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền chính đáng như: quyền học hành, có việc làm, đủ dinh dưỡng, nhà ở, bảo vệ sức khỏe… Ngày Dân số thế giới cũng là lúc chúng ta có những hành động và suy nghĩ để tìm ra các biện pháp tích cực trong việc giảm gia tăng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống, dân trí và cải tạo môi trường sống. Ngoài ra, Ngày Dân số Thế giới cũng là dịp nhắc nhở các cấp, các ngành, các đoàn thể và quần chúng nhân dân xem xét lại việc thực hiện chương trình dân số ở địa phương mình, trên cơ sở đó có biện pháp khắc phục các tồn tại, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành trong thời gian tới.
Hàng năm, UNFPA lựa chọn một chủ đề cấp thiết mang tính toàn cầu nhằm kêu gọi sự quan tâm chú ý của toàn nhân loại đối với vấn đề dân số. Ngày Dân số Thế giới năm 2023 lại là một dịp nữa để UNFPA tiếp tục thực hiện những công việc, những nỗ lực không ngừng đảm bảo quyền và lựa chọn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái để tạo ra một thế giới với tiềm năng vô hạn. Chính vì vậy, UNFPA đã lựa chọn chủ đề cho ngày Dân số thế giới năm 2023 là “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”.
Hiện nay phụ nữ và trẻ em gái chiếm 49,7% dân số toàn cầu, nhưng những mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và việc làm vẫn bị bỏ qua khi bàn về các vấn đề nhân khẩu học và quyền của họ vẫn bị vi phạm trong các chính sách về dân số. Điều này đã tạo ra một thế giới đang loại trừ, bỏ qua và hạn chế tiềm năng của mỗi cá nhân trên hành tinh của chúng ta. Nó sẽ làm cho tất cả chúng ta, chứ không chỉ riêng phụ nữ và trẻ em gái, không được hưởng một tương lai thịnh vượng, hòa bình và bền vững hơn.
Nguồn gốc của vấn đề này chính là bất bình đẳng giới. Ở khắp nơi trên thế giới, sự bất công phổ biến này đã làm cho phụ nữ và trẻ em gái không được đi học, không có việc làm và không giữ vị trí lãnh đạo; hạn chế những nỗ lực cá nhân và khả năng ra quyết định về sức khỏe, đời sống tình dục và sinh sản của họ; làm tăng nguy cơ dễ bị tổn thương do bạo lực, những hành vi có hại và tử vong mẹ do những nguyên nhân hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là bất bình đẳng giới đã ngăn cản thế giới đặt ra các câu hỏi hay quan tâm đến những gì mà phụ nữ và trẻ em gái mong muốn. Những mong muốn của phụ nữ và trẻ em gái là quan trọng và UNFPA quan tâm đến những mong muốn đó. Khi phụ nữ và trẻ em gái được xã hội trao quyền tự chủ về cuộc sống và cơ thể của mình, họ và gia đình của họ sẽ tốt đẹp hơn và kết quả là chúng ta sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp, bao trùm và được trang bị tốt hơn để có thể giải quyết bất cứ những thay đổi và thách thức nhân khẩu học nào trong tương lai.
Hướng tới ngày dân số thế giới năm nay, địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác DS-KHHGĐ đối với sự phát triển nhanh và bền vững; đồng thời duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm tốc độ gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; hướng tới tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tầm soát, chấn đoán và điều trị bệnh tật trước sinh và sơ sinh, tăng số người sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại;