CHÍNH TRỊ-KINH TẾ
Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Hải Dương lần thứ 4 gắn với kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân dân huyện Ninh Giang (26/7/1962 - 26/7/2022)
15/07/2022 12:00:00

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Hải Dương lần thứ 4 gắn với

kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân dân

huyện Ninh Giang (26/7/1962 - 26/7/2022)

-----

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV, dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giữa năm 1961, Đảng bộ các huyện, thị xã tổ chức đại hội, đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương và bầu Ban Chấp hành khóa mới. Đại hội các huyện, thị đều xác định: phải đẩy mạnh sản xuất, lấy sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc làm cơ sở cho phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Với quyết tâm cao, khí thế mới, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương phấn khởi bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 1961, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm phấn đấu phát triển nông nghiệp “toàn diện, vững chắc”, đồng thời tích cực củng cố, đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên một bước mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3.

2 năm 1961- 1962, toàn tỉnh có thêm 8.885 hộ vào hợp tác xã nông nghiệp, đưa tỷ lệ nông dân vào hợp tác xã lên 96,2%. Về quy mô hợp tác xã, năm 1960 toàn tỉnh có 1.816 hợp tác xã, bình quân mỗi hợp tác xã có 89 hộ; năm 1962 hợp nhất những hợp tác xã nhỏ, thành 955 hợp tác xã, bình quân mỗi hợp tác xã 173 hộ, trong đó có 700 hợp tác xã toàn thôn, 16 hợp tác xã toàn xã.

Với khẩu hiệu “Tốt giống tốt lúa”, với hơn 70 loại giống lúa cấy trên đồng ruộng Hải Dương, tỉnh chọn được 15 loại giống tốt cấy cho vụ mùa và 6 loại giống lúa cấy trong vụ chiêm. Thực hiện hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, các hợp tác xã đều dành riêng những khu ruộng tốt, tiện nước để gieo mạ. Trước khi gieo, giống được xử lý “2 sôi 3 lạnh” và ngâm, ủ đúng kỹ thuật. Khi cấy thì hồ phân rễ mạ và cấy dầy vừa phải, đảm bảo thẳng hàng.

Công tác chỉ đạo cải tiến nông cụ tiếp tục được đẩy mạnh. Cho đến năm 1962 “cày 51” cải tiến chiếm tới 60% tổng số cày đang sử dụng trong toàn tỉnh. Bước đầu áp dụng kỹ thuật sản xuất mới vào đồng ruộng và từng bước sử dụng nông cụ cải tiến, nông dân xã viên Hải Dương vừa không ngừng tăng năng suất lao động, tăng năng suất cây trồng và tăng tổng sản lượng.

Với quyết tâm thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh phát động phong trào thi đua rộng lớn trong tất cả các ngành.

Vụ mùa năm 1962, sản xuất tỉnh gặp nhiều khó khăn do úng lụt gây ra nhất là các huyện phía Nam. Để động viên nhân dân khắc phục khó khăn, ngày 26/7/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương. Buổi sáng, Người nói chuyện với nhân dân thị xã Hải Dương tại sân Vọng Cung (nay là Nhà hát nhân dân). Bác khen Hải Dương có nhiều tiến bộ về mọi mặt so với năm 1957. Sau đó Bác về thăm bà con nông dân xã Ứng Hòe và Hiệp Lực (Ninh Giang) là 02 xã rất gương mẫu trong lao động sản xuất lúa gạo và có thành tích chống úng lụt khá nhất tỉnh. Khi tới Hiệp Lực, đến cánh đồng Sao- Mai Xá, vừa đi Bác vừa động viên thăm hỏi cán bộ và nhân dân địa phương đang tập trung chống úng. Sau đó Bác cùng nhân dân guồng nước chống úng cứu lúa. Trong khi tham gia guồng nước, Bác đã vận Kiều đọc hai câu thơ:

“Trăm năm trăm cõi người ta

Chống úng thắng lợi mới là người ngoan”

Câu thơ của Bác vừa là lời động viên vừa là lời căn dặn mọi người trong cuộc khắc phục và chống thiên tai để sản xuất nông nghiệp. Rời cánh đồng Sao- Hiệp Lực, Bác Hồ về thăm và nói chuyện với đông đảo cán bộ và nhân dân huyện nhà tại hội trường nhà máy xay Ninh Giang. Trong buổi gặp mặt lịch sử đó, Bác ân cần dặn Đảng bộ và nhân dân huyện nhà phải ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm tích cực đóng góp vào sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng quê hương Ninh Giang văn minh giàu đẹp, xây dựng thị trấn Ninh Giang trở thành kiểu mẫu cho mọi nơi noi theo.

Buổi chiều, Bác về thăm Nhà máy sứ Hải Dương (nay là Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương), thăm các phân xưởng sản xuất. Tới phân xưởng vẽ hoa trên sứ, Bác nói "Sứ Việt Nam cần vẽ hoa Việt Nam" rồi Bác cầm bút viết lên bình hoa 5 chữ "Phải cố gắng tiến bộ", bên dưới ký tên Bác Hồ.

Khắc sâu lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương nói chung và huyện Ninh Giang nói riêng đã luôn kề vai sát cánh, chung sức đồng lòng lập nên nhiều thành tích, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kế thừa và phát huy các thành tựu đã đạt được, từ sau thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song được sự lãnh đạo, ủng hộ hết lòng của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự đồng tình, chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và mọi doanh nghiệp, người dân trong tỉnh, Hải Dương chúng ta đã nỗ lực phấn đấu, thu được những kết quả quan trọng, thế và lực của tỉnh được nâng lên. Kinh tế của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng khá và ổn định.

Kết thúc năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, về cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021 đã đề ra, trong đó đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu chủ yếu. Các lĩnh vực về văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,6%, cao thứ 8/63 cả nước và thứ 4/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng (sau Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nam). Quy mô nền kinh tế năm 2021 (theo giá hiện hành) ước đạt 149.090 tỷ đồng, đứng thứ 11/63 toàn quốc. GRDP bình quân đầu người ước tính đạt 77,0 triệu đồng, tương đương 3.360 USD, đứng thứ 16/63 trong toàn quốc. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hải Dương năm 2021 xếp thứ 13 trong cả nước (tăng 34 bậc so với năm 2020), đứng thứ 6 trong số 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và đứng đầu trong nhóm 20 địa phương xếp loại khá.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Hải Dương đã xác định chiến lược phát triển trên cơ sở 3 nền tảng: Văn hóa và con người Hải Dương; môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình giao thông kết nối với các tỉnh lân cận. Trong đó, tập trung tối đa các nguồn lực, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện một số công trình hạ tầng trọng điểm, tăng cường vận động thu hút các nguồn lực xã hội hóa hợp pháp để cùng chung tay góp sức hỗ trợ phát triển kết nối hạ tầng giao thông.

Hải Dương là 1 trong 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh nông thôn mới. Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn tỉnh Hải Dương có sự thay đổi toàn diện, cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Giai đoạn 2011 - 2021, Hải Dương đã huy động hơn 58.383 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó ngân sách Trung ương chiếm 2,61%; ngân sách địa phương từ cấp tỉnh đến xã chiếm 17,5%; vốn huy động trong nhân dân chiếm 9,35%, còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác, vốn doanh nghiệp, tín dụng. Sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ đã được chú trọng phát triển; tỷ lệ và tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất. Toàn tỉnh có tất cả 178 xã đạt chuẩn NTM, 43 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã đạt NTM kiểu mẫu; 12 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM...

Về quá trình đô thị hóa của tỉnh, thời điểm tái lập tỉnh (năm 1997), đô thị của Hải Dương được biết đến là thành phố Hải Dương (nâng cấp từ thị xã Hải Dương - thành phố đô thị loại III đầu tiên của tỉnh) và 16 thị trấn trong 11 huyện là các đô thị lõi vùng huyện. Đến nay, toàn tỉnh Hải Dương có 13 đô thị gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Hải Dương), 01 đô thị loại III (thành phố Chí Linh), 01 đô thị loại IV (thị xã Kinh Môn), 10 đô thị loại V (gồm các thị trấn: Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kẻ Sặt, Nam Sách, Lai Cách, Cẩm Giang, Thanh Hà, Phú Thái), tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 32,2%. Về diện mạo công nghiệp hóa, đến nay, toàn tỉnh có 11 khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ (tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 75%).

Đối với Ninh Giang, là huyện vinh dự được 2 lần được đón Bác về thăm, thực hiện lời dạy của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đoàn kết, đồng lòng, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho Nhân dân. Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2021- 2025, với sự quyết tâm của chính quyền hai cấp huyện và xã, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, tình hình kinh tế-xã hội của huyện tiếp tục ổn định và phát triển: 12/16 chỉ tiêu chính đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước 355,6 tỷ đồng, đạt 213%KH tỉnh giao (133,4%KH huyện giao); ước chi ngân sách địa phương là 875,3 tỷ đồng, bằng 152,7%KH tỉnh giao (129,2%KH huyện giao). Tổng diện tích gieo trồng đạt 14.502ha, bằng 100,7%KH; năng suất lúa cả năm đạt 126,6 tạ/ha, bằng 105%KH.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ khi triển khai đến nay đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình diện mạo nông thôn của huyện đã thay đổi vượt bậc, kinh tế phát triển khá, kết cấu hạ tầng khang trang, nhất là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở trường học, các lĩnh vực văn hóa, y tế giáo dục phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt; các di tích lịch sử và truyền thống văn hóa được giữ gìn và phát triển; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn; đời sống vật chất và tinh thần nhân dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, huyện có 100% số xã đạt chuẩn NTM, huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM và được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Hải Dương lần thứ 4 và 60 năm ngày Bác Hồ về thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân dân huyện Ninh Giang (26/7/1962 - 26/7/2022). Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Giang nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung, một lần nữa xin khắc sâu lời Bác dạy, nguyện mãi mãi trung thành với lý tưởng và con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác đã lựa chọn, quyết tâm xây dựng huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương giàu đẹp, văn minh./.

Nguồn Ban Tuyên Giáo Huyện Ủy Ninh Giang. 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HỒNG ĐỨC - HUYỆN NINH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Ông Tạ Ngọc Quyên - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: UBND xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0987071329

Email: 

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0