THỰC HIỆN PHÁP LUẬT, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
Bài tuyên truyền về pháo
04/01/2023 09:46:59


Trước đây, mỗi dịp Tết đến Xuân về thì tiếng pháo là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, sự hân hoan, phấn khởi rất ngắn ngủi đến từ những “tiếng pháo”, đã có rất nhiều cá nhân, gia đình mất đi “tiếng cười” từ việc đốt pháo, buôn bán, sản xuất pháo; có nhiều trường hợp đã mất tay, chân hoặc bỏng nặng, mang thương tật suốt đời thậm chí thiệt mạng chỉ vì tiếng pháo gây ra. Điển hình như vụ nổ xảy ra vào ngày 25/12/2022 tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắc Lăk đã làm cho 04 cháu độ tuổi lớp 6 thương vong trong đó có 02 cháu thiệt mạng. Nguyên nhân vụ nổ là do các cháu tự chế tạo pháo nổ.

Từ những hậu quả đau lòng như trên, Ngày 8/8/1994 Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 406/TTg về việc Cấm sản xuất, buôn bán pháo. Từ đó đến nay Chính phủ đã nhiều lần thay đổi quy định về việc quản lý sử dụng pháo, hiện tại quy định về Quản lý, sử dụng pháo thực hiện theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP.

Sau nhiều năm thực hiện, phần lớn người dân trên địa bàn xã có ý thức chấp hành các quy định về pháo rất cao; các hành vi vi phạm về pháo được hạn chế rất nhiều, đặc biệt là tình trạng đốt pháo vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, vì lợi nhuận; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật kém, một số cá nhân vẫn mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép pháo, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên và những người đi làm ăn ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn trở về địa phương.

Để bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân, để có cái Tết thực sự vui vẻ, hạnh phúc, an toàn. Công an xã Hồng Đức đề nghị mỗi người, mỗi gia đình cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng pháo.

Các hành vi liên quan đến pháo bị nghiêm cấm được quy định tại điều Điều 5 Nghị định 137/2020 quy định cụ thể như sau:

1. Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ.

2. Cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

3. Cấm mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

4. Cấm lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Cấm trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

6. Cấm chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.

7. Cấm giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

8. Cấm hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

9. Cấm cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

Nếu bất kỳ cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Các quy định về xử lý (hành chính và hình sự) khi vi phạm liên quan đến pháo:

1. Về xử phạt vi phạm hành chính

* Đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo và giấy tờ liên quan đến quản lý và sử dụng pháo sẽ bị xử lý theo Điều 11, NĐ 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi: Lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng pháo không còn giá trị sử dụng

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo;

+ Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

+ Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, làm giả, làm mất các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo;

+ Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

+ Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

+ Hướng dẫn cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo trái dưới mọi hình thức.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Mang trái phép pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

* Đối với hành vi buôn bán pháo nổ sẽ bị xử phạt từ 1.000.000đ đến 100.000.000đ tùy theo số lượng pháo nổ buôn bán trái phép theo quy định tại Điều 8, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

* Đối với hành vi sản xuất pháo nổ phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt tương ứng với hành vi và khối lượng pháo nổ buôn bán.

Ngoài hình phạt chính, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể phải chịu hình phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo hoa …

2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo nếu đủ yếu tố cấu thành có thể bị xử lý hình sự theo các tội quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:

- Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190): Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ, pháo hoa nổ từ 6 kg trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến 03 tỷ hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.

- Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191): Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ, pháo hoa nổ từ 6 kg trở lên sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 01 tỷ hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm.

- Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318): Người đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

- Ngoài ra, nếu buôn bán hoặc vận chuyển pháo trái phép quan biên giới sẽ chịu trách nhiệm về tội buôn lậu (Điều 188) hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hóa quan biên giới (Điều 189).

- Nếu đốt pháo nổ, pháo hoa nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do hành vi đốt pháo gây ra, như: Cố ý gây thương, Vô ý gây thương, giết người, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản ...

- Nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.

Trong dịp Tết Nhâm Dần (2022), Công an xã Hồng Đức đã bắt và xử 5 triệu đồng với 01 trường hợp là công dân thôn Đồng Lạc có hành vi sử dụng trái phép pháo (đốt pháo). Trong thời gian tới đặc biệt thời điểm giáp Tết, giao thừa sang năm Quý Mão, Công an xã sẽ tập trung lực lượng để tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháo.

Mọi người dân nếu phát hiện bất kỳ hành vi, đối tượng nào có dấu hiệu sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo cần báo ngay cho Công an xã để ngăn chặn, xử lý vi phạm. Nếu ai che dấu hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nguồn Đ/c Trưởng công an xã: Đại úy Lê Minh Đức

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HỒNG ĐỨC - HUYỆN NINH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Ông Tạ Ngọc Quyên - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: UBND xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0987071329

Email: 

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0