CHÍNH TRỊ-KINH TẾ
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ (27/7/1947 - 27/7/2022)
22/07/2022 12:00:00

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

(27/7/1947 - 27/7/2022)

I. Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sỹ

1. Hoàn cảnh ra đời

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với tinh thần quật cường, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống lại quân xâm lược. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến quyết liệt chống thực dân Pháp, nhiều đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh, cống hiến xương máu, sức lực trên các chiến trường. Thấm nhuần đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc và thấu hiểu sâu sắc giá trị của sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh đối với đất nước, Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và Nhân dân ta đã dành tất cả tình thương yêu cho các chiến sĩ và đồng bào đã vì độc lập, tự do của Tổ quốc mà bị thương hoặc hy sinh.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác, sau đó ít lâu được đổi thành Hội giúp binh sĩ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Hội.

Chiều ngày 28/5/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Tổng Hội giúp binh sĩ bị nạn tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng để kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương tùy theo điều kiện của gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự.

Sau đó, nhiều chương trình quyên góp, ủng hộ bộ đội được phát động, đáng chú ý nhất là cuộc vận động "Mùa đông binh sỹ". Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban vận động đã họp phát động phong trào may áo trấn thủ cho chiến sỹ. Chiều ngày 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên Hiệp Quốc dân Việt Nam đã tổ chức lễ xung phong “Mùa đông binh sỹ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ” trong cả nước để giúp chiến sỹ trong mùa đông giá rét với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ. Ngay tại buổi lễ, Người đã cởi chiếc áo len đang mặc để tặng lại các binh sỹ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 19/12/1946, theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sỹ, nhất là những chiến sỹ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sỹ, góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sỹ.

Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký sắc lệnh số 20/SL "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ". Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sỹ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sỹ và thực hiện Chỉ thị Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày Thương binh - Liệt sỹ. Tại cuộc họp này các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27 tháng 7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hằng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sỹ. Đặc biệt, từ sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm hơn đến công tác thương binh, liệt sỹ.

Từ tháng 7 năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi “Ngày Thương binh toàn quốc” thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo Chỉ thị 223/CT- TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27 tháng 7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sỹ” của cả nước.

2. Ý nghĩa

Ngày Thương binh - Liệt sỹ có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, đó là:

- Thể hiện sự tiếp nối truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, "uống nước nhớ nguồn”, "ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc; thể hiện sự biết ơn, trân trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với những người đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.

- Khẳng định việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau đối với sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của Nhân dân.

- Góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

I. Những kết quả đạt được trong công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng 75 năm qua

1. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật, chế độ ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng

- Kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 "Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ" đến nay, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sỹ đã được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và hiện tại được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện, thực hiện thống nhất trong cả nước; từ đó góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp về chính trị, kinh tế và xã hội, sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước, Nhân dân và bản thân người có công với cách mạng, nâng cao nhận thức của toàn xã hội cùng với Nhà nước chăm lo cho người có công với cách mạng, phát huy truyền thống, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc trong thời kỳ mới.

Các chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước năm 1986 đến nay đã có những thay đổi quan trọng để phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và ngày càng được mở rộng về đối tượng, bao phủ hầu hết các mặt của đời sống, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005; các Nghị định của Chính phủ quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng[1],... Năm 2020, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL- UBTVQH11 và số 04/2012/UBTVQH13, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021 với nhiều điểm mới, hướng tới nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng số người hưởng ưu đãi cho người có công với cách mạng đã tạo điều kiện để người có công nỗ lực vượt lên khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào công tác "Đền ơn đáp nghĩa".

Đến nay, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng qua các thời kỳ, đặc biệt Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, đã tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân được quy định thống nhất, rõ ràng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng.

- Sau 75 năm thực hiện, các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng đã được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Theo đó các chế độ ưu đãi được thực hiện đa dạng gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: hỗ trợ y tế, giáo dục, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, tạo việc làm, hỗ trợ, cải thiện nhà ở, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn kinh doanh và miễn hoặc giảm thuế. Người có công tùy từng đối tượng có các chính sách chăm sóc đặc thù như: Chính sách trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên, bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình... và được chăm sóc với nhiều hình thức đa dạng như tại gia đình, cộng đồng, các cơ sở y tế và các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng.

Đối với mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, từ năm 1994 đến nay, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh gắn liền với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, theo đó chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đã qua nhiều lần điều chỉnh, từng bước khắc phục những hạn chế về mức, về nguyên tắc và phương thức điều chỉnh độc lập với chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phù hợp với điều kiện của ngân sách nhà nước, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người có công. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi người có công năm 2012 là 1.110.000 đồng; từ năm 2019 đến nay mức chuẩn là 1.624.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng của cán bộ, công chức hiện nay). Hiện nay có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.

Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống Nhân dân, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19, tạo cơ sở để thực hiện triển khai chi trả hỗ trợ kịp thời, đầy đủ cho 994.626 đối tượng thuộc lĩnh vực người có công với kinh phí khoảng 1.483 tỷ đồng.

2. Công tác xác nhận, công nhận người có công với cách mạng

- Công tác xác nhận người có công với cách mạng được triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, huy động trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đến nay, toàn quốc đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó:

+ Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: gần 9.000 người.

+ Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người.

+ Liệt sỹ: gần 1,2 triệu người; thân nhân liệt sỹ gần 500.000 người.

+ Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 139.000 người.

+ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người.

+ Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người.

+ Bệnh binh: gần 185.000 người.

+ Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 320.000 người.

+ Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần

111. 000 người.

- Người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người.

+ Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người.

- Công tác rà soát, giải quyết các hồ sơ tồn đọng đã được chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đúng quy trình, chặt chẽ, bài bản, trong đó tập trung vào các nội dung: Giải quyết hồ sơ tồn động, giải quyết chế độ cho các trường hợp liệt sỹ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; hoàn thiện hồ sơ xét tặng, truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa hóa và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trong các năm từ 2016 - 2021 đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 4.200 liệt sỹ, cấp đổi lại hơn 90.000 bằng Tổ quốc ghi công. Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích rõ cho đối tượng, tránh để xảy ra tình trạng đơn thư khiếu nại.

3. Công tác chăm sóc đời sống gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng

Xác định công tác chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm và vinh dự để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có công lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã tích cực triển khai và thực hiện có hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình.

Trong giai đoạn từ năm 2017 - 2021, số xã phường làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ liên tục tăng dần từ là 96,6% đến 99% (năm 2017 đạt 96,6%; năm 2018 đạt 98,11%, năm 2019 đạt 98,37%, năm 2020 đạt 98,7%, năm 2021 đạt 99%); chỉ tiêu mức sống của người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú tăng dần từ 98% đến 98,6% (năm 2017 đạt 98%; năm 2018 đạt 98,42%, năm 2019 đạt 98,63%, năm 2020 đạt 99%, năm 2021 đạt 98,6%).

Việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã được hoàn thành. Cả nước có tổng số 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở (gồm 184.695 hộ xây mới và 209.012 hộ sửa chữa) đã được thẩm tra, cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 10.654 tỷ đồng.

Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước đạt hơn 61.600 sổ với tổng kinh phí là hơn 113,7 tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 36.400 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 24.000 nhà tình nghĩa trị giá gần 2.140 tỷ đồng. Phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng, tính đến tháng 12/2021 cả nước có 3.736/139.882 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày 27/7 hằng năm, ngoài quà của Chủ tịch nước, ở tất cả các địa phương đều tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách.

Bên cạnh đó, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập,... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những "Công dân kiểu mẫu", là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo. Đến nay, chỉ tiêu hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú đạt 98,6%.

4. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ; nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công với cách mạng

Xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, góp phần đáp ứng nguyện vọng của thân nhân, gia đình liệt sỹ; thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 15/5/2013 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo", Quyết định số 1237/QĐ-TTg, ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 14/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, công tác này đã được thực hiện toàn diện, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

- Nhà nước đầu tư nâng cấp các trung tâm giám định ADN của các bộ, ngành nhằm đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ; xây dựng Trung tâm lưu giữ nguồn gen đã được giám định để phục vụ cho công tác xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; điều tra, thu thập thông tin về liệt sĩ, hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sỹ còn thiếu thông tin, mộ liệt sỹ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sỹ; xây dựng phần mềm quản lý và cơ sở dữ liệu thông tin liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ, mộ liệt sỹ và nghĩa trang liệt sỹ; cổng thông tin điện tử về mộ liệt sỹ, nghĩa trang liệt sỹ.

- Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quản lý chặt chẽ địa bàn; tổ chức đón nhận, bàn giao, truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ trang nghiêm, trọng thị, chu đáo; công bố, trả kết quả xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đúng quy định.

- Việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ được các cấp, các ngành chú trọng và đã đạt được những kết quả cụ thể. Hiện nay, cả nước có trên 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 các công trình ghi công liệt sĩ. Hàng năm, ở Trung ương và địa phương đều bố trí kinh phí để tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh, thăm viếng mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.

- Công tác quy hoạch, đầu tư, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng cho người có công ngày càng được chú trọng. Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu hình thành hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

III. Công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng trong giai đoạn hiện nay

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định trong những năm tới, tiếp tục: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân...”. Để phát huy được những kết quả, thành tích đã đạt được trong suốt 75 năm qua, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ giải pháp sau:

- Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền sâu rộng hơn nữa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; nâng cao nhận thức về việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công vừa là tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm cao cả của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vừa là yếu tố bảo đảm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện sâu sắc tính ưu việt và bản chất tốt đẹp của chế độ ta, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Từ đó, biến nhận thức thành hành động thiết thực, cụ thể, tích cực góp phần vào việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả và đưa các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng" trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi mặt của đời sống xã hội.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công. Trong đó, đặc biệt quan tâm các gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo.

- Tiếp tục làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sỹ, công trình ghi công liệt sỹ; đẩy mạnh tìm kiếm, xác định danh tính liệt sỹ, quy tập hài cốt liệt sỹ, kịp thời thông báo và tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân liệt sỹ đến thăm viếng.

- Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công với cách mạng. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công, đặc biệt chú trọng giải quyết các vướng mắc, tồn tại phát sinh liên quan để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của đất nước. Quan tâm giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng, bảo đảm chặt chẽ, thấu lý, đạt tình để những người có công và gia đình được thụ hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước.Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong thực hiện công tác người có công với cách mạng; chú trọng các biện pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác này.

- Thúc đẩy cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia có trách nhiệm đối với công tác người có công và phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", ủng hộ quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Tôn vinh, biểu dương những tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tích cực lao động, sản xuất, tham gia các phong trào thi đua yêu nước...

- Kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng", chung sức giúp đỡ các gia đình người có công khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống.

IV. KẾT QUẢ CÔNG TÁC THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

Hải Dương mảnh đất anh hùng, có bề dầy thành tích trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làm nghĩa vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã có 30 vạn thanh niên gia nhập quân đội, trên 10 vạn thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến, công tác, chiến đấu trên khắp các chiến trường.

Đến nay, Hải Dương có 6.295 liệt sĩ; 11.342 thương binh; 6.597 bệnh binh; 53 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 08 Anh hùng lực lượng vũ trang; 30 cán bộ hoạt động trước cách mạng tháng Tám năm 1945; 762 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt và tù đày; 8.199 người hoạt động kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hoá học đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.

Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, trong những năm qua Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đặt công tác “đền ơn đáp nghĩa” là nhiệm vụ chính trị của các cấp uỷ đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân. Đặc biệt, từ khi có Pháp lệnh danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và Pháp lệnh Người có công với cách mạng, phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng ở Hải Dương đã trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

1. Phong trào xây nhà tình nghĩa và vận động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa:

Sau ngày tái lập, tỉnh Hải Dương có nhiều việc làm thiết thực trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Tính đến 5/2022, toàn tỉnh có 6.896 ngôi nhà được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí là 213.952.000.000 đồng.

Xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa là việc làm thiết thực đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân đồng tình hưởng ứng. Cho đến nay quỹ đền ơn đáp nghĩa đã có 1,7 tỷ đồng.

2. Phong trào chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, cha mẹ liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa, con liệt sĩ mồ côi, con thương binh nặng.

Cuộc vận động “phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng”; phong trào “nhận đỡ đầu con liệt sĩ”; phong trào “áo lụa tặng bà”.... nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớn nhân dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh hiện có 53 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, trong đó có 53 Mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị quân đội, công an đóng trên địa bàn tỉnh nhận phụng dưỡng; 446 thương binh nặng có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên, 85 bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc, thăm hỏi của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các đơn vị làm công tác xã hội; tất cả các con liệt sĩ, con thương binh nặng có hoàn cảnh khó khăn đều được các đoàn thể chăm sóc, giúp đỡ.

Những việc làm trên đã tô đậm thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta, giúp cho các gia đình chính sách ổn định về đời sống vật chất, tinh thần, yên tâm trong cuộc sống.

3. Phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa.

Thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, đoàn thể nhân dân về việc phát động phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, tỉnh Hải Dương đã phát động phong trào này, được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, hưởng ứng. Đặc biệt quan tâm nâng cao mức sống cho các gia đình chính sách, năm 1995, số hộ chính sách đói là 835 hộ, số hộ nghèo 3.885 hộ, đến năm 1998 đã xoá xong hộ đói. Hiện nay, toàn tỉnh không còn hộ chính sách thuộc diện nghèo (theo tiêu chuẩn mới).

4. Phong trào xã, phường làm tốt công tác Thương binh - Liệt sĩ và Người có công.

Cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và Người có công không ngừng được đẩy mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Công tác đền ơn đáp nghĩa huy động được sức mạnh toàn xã hội tham gia. Phong trào được các cấp uỷ đảng chỉ đạo chặt chẽ, chính quyền địa phương tổ chức với nhiều hình thức phong phú, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo ra cơ sở vững chắc để thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đến nay, 100% xã, phường đạt tiêu chuẩn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công; hàng chục ngàn người và gia đình đạt danh hiệu người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, nhiều tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu trong phong trào lao động sản xuất phát triển kinh tế và tham gia xây dựng chính quyền cơ sở mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm xã, phường, cơ quan, ngành, đoàn thể và 10 huyện, thị xã, thành phố được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động; nhiều đơn vị, xã, phường được Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tặng bằng khen; nhiều thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ được tặng Huân chương lao động về thành tích trong lao động và sản xuất và nhiều huy hiệu cao quý khác.

5. Công tác mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.

Hiện nay Hải Dương có 269 nghĩa trang liệt sĩ với 37.441 mộ liệt sĩ. Trong 05 năm qua toàn tỉnh hỗ trợ 101 lượt nghĩa trang (02 đền liệt sĩ) hỗ trợ kinh phí xây dựng dựng, sửa chữa tổng kinh phí là 58.500.000.000 đồng. Tỉnh và các thân nhân liệt sĩ đã tiếp nhận hàng trăm hài cốt liệt sĩ là con em mình đã hy sinh tại các chiến trường về an táng tại nghĩa trang quê nhà.

Xuất phát từ tấm lòng biết ơn sâu sắc, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đến thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công với nước, xem việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng là nghĩa vụ và trách nhiệm lớn lao. Nhờ tấm lòng, nghĩa cử của đồng bào, đồng chí, nhờ sự đóng góp hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị đã tiếp sức cho Đảng bộ và nhân dân Hải Dương giải quyết tốt vấn đề nhà ở, chăm lo sức khoẻ, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình diện chính sách.

Cùng với các hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn" từ năm 2009 đến nay, hàng năm tỉnh đều chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức Lễ dâng hương Thắp nến tri ân các anh hùng Liệt sĩ tại các Đền tưởng niệm, Nghĩa trang Liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là hoạt động tiêu biểu thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ, thế hệ cha anh đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, tôn tạo và làm đẹp nghĩa trang “công trình ghi công các anh hùng liệt sĩ”.

6. Công tác Điều dưỡng Người có công

Tỉnh Hải Dương hiện nay có tổng số 30.631 người có công thuộc diện được điều dưỡng tập trung. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công, trong những năm qua, tỉnh Hải Dương xác định công tác điều dưỡng người có công là một trong những chính sách lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với người có công với cách mạng, coi công tác điều dưỡng người có công là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Ngày 28/10/2013, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành quyết định số 2479/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Điều Dưỡng Người có công, với chức năng nhiệm vụ chính là điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho Người có công với cách mạng thuộc tỉnh Hải Dương. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã thực hiện tốt việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn chỉ đạo liên quan đến chế độ, chính sách ưu đãi Người có công. Hàng năm, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng tập trung trên 50 đợt điều dưỡng cho khoảng 5000 lượt người có công. Đến nay, đã có 157.445 lượt người có công được tham gia điều dưỡng tập trung luân phiên.

V. TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ VÀ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

- Công tác thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là công tác lớn rất quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cần tập trung hơn nữa, chăm sóc giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên, nhân dân; chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, chính sách ưu đãi xã hội; động viên toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với cách mạng, người hưởng chính sách xã hội.

- Việc thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi xã hội cần gắn với việc không ngừng hoàn thiện chính sách, chế độ, giải quyết các tồn đọng bất hợp lý, sửa chữa sai lệch trong việc thực hiện chính sách, chế độ, xã hội hoá công tác này nhằm góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngày trong từng bước và từng chính sách phát triển.

- Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách, quy định của Đảng , Nhà nước, về những thành quả của công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Phát hiện kịp thời, khen thưởng xứng đáng, nhân diện rộng những nhân tố mới và điển hình tiên tiến xuất hiện trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, nhất là tấm gương thương binh, thân nhân liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng vượt khó, vươn lên tạo dựng cuộc sống mới và đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.

- Tiếp tục đẩy mạnh xã hội việc chăm sóc những người thuộc đối tượng chính sách ưu đãi xã hội nhất là về lao động, việc làm, nhà ở, chăm sóc y tế, giúp đỡ phương tiện đi lại, chăm sóc đảm bảo đời sống sinh hoạt và đáp ứng nhu cầu tâm lý, tình cảm, tập trung xây dựng phát triển quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên cơ sở phát huy tinh thần “Hiếu nghĩa bác ái”, đề cao tình thương và trách nhiệm, huy động mọi nguồn lực xã hội; đồng thời, coi trọng việc phân bổ, sử dụng quỹ đúng đối tượng, dân chủ, công bằng, minh bạch.

- Chăm sóc hơn nữa thế hệ mới, con của các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi xã hội, về học tập việc làm và đời sống; chú trọng giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của đất nước, quê hương, gia đình để bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức cách mạng, hình thành nên lớp công dân mới ưu tú, xứng đáng với những hy sinh, công hiến vô giá của lớp lớp cha anh.

- Nâng cao hơn nữa nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và vận động nhân dân thực hiện đầy đủ, đúng đắn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trong giai đoạn cách mạng mới; tập trung giải quyết tốt các vấn đề còn tồn đọng sau chiến tranh; đảm bảo cho các đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công có mức sống trên mức sống bình quân của xã hội; đẩy mạnh việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ và chỉnh trang, tu bổ, xây dựng mới các công trình ghi công các liệt sĩ đáp ứng tốt hơn nhu cầu tình cảm, tâm linh; khắc phục và hạn chế mức thấp nhất những thiếu sót, khuyết điểm của công tác quan trọng này.

- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện hơn nữa các chính sách ưu đãi người có công; phát hiện và sử lý những bất hợp lý, chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp với thực tế cuộc sống; đẩy mạnh cải cách hành chính trong thực hiện chính sách, kịp thời sơ kết, tổng kết các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, phổ biến kinh nghiệm các ngành, các cấp, các địa phương, cơ sở làm tốt công tác này; tăng cường quan hệ quốc tế, nhất là với hai nước Lào và Camphuchia trong giải quyết các vấn đề liên quan tới thương binh liệt, người có công với nước.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022) và thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở ra giai đoạn mới đưa công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng lên một tầm cao mới. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; các tầng lớp nhân dân đồng thuận hưởng ứng; phát huy thế và lực mới của đất nước, công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng chắc chắn sẽ đạt nhiều thành tựu mới, góp phần ổn định chính trị - xã hội, phát triển đất nước nhanh và bền vững, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY



[1] Nghị định số 70/2017/NĐ-CP ngày 06/6/2017, Nghị định số 99/2018/NĐ-CP ngày 12/7/2018, Nghị định số 58/2019/NĐ-CP ngay 01/7/2019,...

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HỒNG ĐỨC - HUYỆN NINH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Ông Tạ Ngọc Quyên - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: UBND xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0987071329

Email: 

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0