Trong không khí phấn khởi chào mừng năm mới 2023, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc và kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; chúng ta lại cùng nhau ôn lại chặng đường 76 năm xây dựng và trưởng thành của Chi bộ A2 nay là Đảng bộ xã Hồng Đức (06/01/1947 - 06/01/2023).
Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Đông Dương ( Đảng cộng sản Việt Nam ngày nay) được thành lập và nhanh chóng phát triển ra cả nước, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân lên một bước mới. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.
Ở Hải Dương, tháng 2/1930 chi bộ Đảng ở Mạo Khê, Đông triều và tháng 3/1930 chi bộ Đảng ở Đọ Xá (Chí Linh) được thành lập. Đây là bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng ở tỉnh ta.
Đầu năm 1937 đồng chí Lê Thanh Nghị được Xứ ủy Bắc Kỳ cử về Hải Dương xây dựng cơ sở Đảng; đồng chí đã giác ngộ một số thanh niên công nhân và lập tổ chức Đoàn thanh niên Dân chủ để tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng và vận động công nhân, nông dân trong huyện Ninh Giang đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm; thông qua phong trào đấu tranh, một số công nhân, nông dân đã được kết nạp vào Đảng. Tháng 8/1938 đồng chí Lê Thanh Nghị tổ chức thành lập chi bộ Nhà máy nước Ninh Giang, đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Ninh Giang, sự ra đời của chi bộ Nhà máy nước Ninh Giang đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của phong trào cách mạng ở huyện nhà.
Năm 1939 Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, tháng 6/1940 tư sản Pháp đầu hàng phát xít Đức, phát xít Đức, Nhật câu kết với nhau điên cuồng đàn áp phong trào cách mạng, chúng truy lùng, bắt bớ, tù đày, giết tróc cán bộ, đảng viên cộng sản; trước sự khủng bố điên cuồng của giặc Pháp, một số cơ sở cách mạng ở Ninh Giang bị tan vỡ, chi bộ Nhà Máy nước Ninh Giang phải rút vào hoạt động bí mật. Đến đầu năm 1943 một số cán bộ của Xứ ủy Bắc kỳ, Liên Tỉnh ủy B về chắp mối và xây dựng lại các cơ sở cách mạng, thành lập các tổ Việt Minh trong tỉnh, ở Ninh Giang tổ chức Việt Minh đầu tiên được thành lập vào cuối năm 1944. Đầu năm 1945 một số xã trong huyện cũng đã thành lập được các tổ Việt Minh bí mật; Ở xã Hồng Đức ngày nay vào thời điểm trước cách mạnh tháng tám năm 1945 bốn thôn bây giờ là bốn xã (bốn đơn vị hành chính độc lập) gồm xã Tế Cầu: xã Đồng Lạc; xã Mai Động thuộc Tổng Phùng Xá, huện Ninh Giang; xã Kim Húc thuộc Tổng Hậu Bổng, huyện Gia Lộc. Sau cách mạng tháng tám năm 1945 hợp nhất ba xã Tế Cầu: xã Đồng Lạc; xã Mai Động thành một xã có tên là xã Hồng Lạc, đến tháng tám năm 1948 tiếp tục hợp nhất xã Kim Húc của huyện Gia Lộc vào xã Hồng Lạc và được đổi tên là xã Hồng Đức đến ngày nay. Tại giai đoạn này đã xuất hiện một số quần chúng được giác ngộ cách mạng như: đ/c Trần Văn Tịnh, đ/c Nguyễn Văn Sứ, đ/c Ngô Văn Huyền, đ/c Nguyễn Đức Khoản, đ/c Phạm Quang Truy.
Giữa tháng 8/1945, hưởng ứng thư của Hồ Chủ Tịch và lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Đông Dương, Việt Minh huyện Ninh Giang triệu tập hội nghị quán triệt nhiệm vụ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 19/8/1945, cùng với nhân dân cả nước, lực lượng cách mạng trong huyện đã lãnh đạo nhân dân giành chính quyền và lập Ủy ban cách mạng lâm thời huyện Ninh Giang và cử cán bộ giúp các xã khởi nghĩa giành chính quyền; ở Hồng Đức, ngày 20/8/1945 được sự giúp đỡ của Việt Minh huyện Ninh Giang, huyện Gia lộc, lực lượng cách mạng các làng ( ngày xưa gọi là xã ) đã vào các nhà Lý trưởng, Trưởng bạ bắt chúng phải mang sổ sách, triện đồng ra đình làng để nộp và tuyên bố giải tán chính quyền cũ; lực lượng cách mạng đã lập ra Ủy ban cách mạng lâm thời. Ngày 25/8/1945 ủy ban cách mạng lâm thời tổ chức mít tinh và ra mắt trước nhân dân, tuyên bố xóa bỏ các thuế đinh, thuế điền, cấm không được cho vay nặng lãi, giảm tô cho tá điền và xóa bỏ các hủ tục. Thắng lợi vĩ đại của cách mạng tháng Tám năm 1945 đã làm nức lòng nhân dân trong xã, từ đây nhân dân ta được sống độc lập, tự do, tự quyết định vận mệnh của đất nước và chính bản thân mình.
Chính quyền cách mạng mới được thành lập, các đoàn thể chưa được củng cố, cùng lúc đó mưa úng, lũ lụt xẩy ra, bọn phản động quấy phá, sách nhiễu với chính quyền và nhân dân; trước tình hình đó, để trấn áp bọn phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh và ủy ban cách mạng lâm thời các làng lập đội tự vệ, được nhân dân giúp tiền mua sắm vũ khí để hoạt động. Thực hiện nhiệm vụ" Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm" do chính phủ và Hồ Chủ Tịch phát động, chỉ trong thời gian ngắn, chính quyền cách mạng đã đẩy lùi được nạn đói, đến cuối năm 1945 toàn xã có 75% số người biết chữ. Hưởng ứng Tuần lễ Vàng, nhân dân trong xã đã ủng hộ 3 đôi khuyên vàng, 19 đôi khuyên bạc, 150 đồng bạc hoa xòe. Để xác lập quyền làm chủ của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh huyện, Mặt trận Việt Minh, chính quyền và các đoàn thể ở các làng đã khẩn trương triển khai công tác tuyên truyền, cổ động và tổ chức thành công Cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa diễn ra ngày 6/1/1946 tại xã với 95% số cử tri đi bỏ phiếu, Cuộc bầu cử HĐND tỉnh và xã diễn ra ngày 2/4/1946 đã thành công tốt đẹp, cử tri đã bầu được 15 đại biểu HĐND xã và 1 đại biểu HĐND tỉnh. Ngày 2/5/1946 HĐND xã mới gồm Tế Cầu, Đồng Lạc, Mai Động họp kỳ thứ nhất bầu UBHC và lấy tên là xã Hồng Lạc. Lúc này bọn Quốc dân Đảng ở trong xã hoạt động mạnh, chúng chỉ đợi thời cơ là lật đổ chính quyền cách mạng. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, Huyện ủy với đầy đủ bằng chứng, ngày 10/12/1946 ta đã bắt 3 tên cầm đầu Quốc dân Đảng, trong đó có tên cốt cán đã chui vào chính quyền giữ chức chủ tịch UBHC xã.
Thực hiện lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến và Nghị quyết của Trung ương Đảng về công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng; Huyện ủy Ninh Giang đã tích cực bồi dưỡng quần chúng để kết nạp Đảng, xã Hồng Lạc lúc này đã có 2 đảng viên chính thức là đồng chí Trần Văn Tịnh và đồng chí Trần Văn Tĩnh sinh hoạt với chi bộ ghép phía Bắc; Ngày 06/01/1947, chi bộ ghép họp tại Văn Chỉ, thôn Đồng Hy xã Ninh Hòa, đồng chí Hồ Ngọc Uyên thay mặt cho Huyện ủy dự chỉ đạo, công bố Quyết định của Huyện ủy thành lập chi bộ xã Hồng Lạc và chỉ định đồng chí Trần Văn Tịnh làm Bí thư chi bộ, đến cuối năm 1947 chi bộ kết nạp được 13 quần chúng vào Đảng, nâng tổng số đảng viên lên 15 đồng chí; Tháng 3/1948 chi bộ tổ chức Đại hội lần thứ Nhất, để đảm bảo giữ bí mật, chi bộ thống nhất lấy mật danh là chi bộ A2 và đề ra công tác phát triển đảng viên mới gắn với việc xây dựng lực lượng vũ trang, sẵn sàng chiến đấu.
Cuối tháng 8/1948 chi bộ A2 mở Đại hội lần thứ II để quán triệt Nghị quyết của UBHC kháng chiến tỉnh Hải Dương về việc sáp nhập xã Kim Húc vào xã Hồng Lạc và đổi tên xã là xã Hồng Đức; kiện toàn UBHC kháng chiến xã và các đoàn thể để tập trung vào nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chỉ trong vòng 15 ngày nhân dân trong xã đã đào được 7500 mét giao thông hào, đắp được 10.000 mét lũy chiến đấu xung quang làng, đắp 10 ụ súng, đào 450 hầm và 2000 hố cá nhân để tránh bom, đạn của địch. Chi bộ còn huy động 200 thanh niên tham gia tiêu thổ kháng chiến và góp 2500 cây tre để chặn tầu địch ở sông Bía và sông Luộc; nhân dân trong xã còn cấy được 12 mẫu lúa, 3 mẫu rau muống, tiết kiệm 6300 kg gạo để phục vụ bộ đội, ủng hộ kháng chiến; với khí thế toàn dân tham gia kháng chiến, từ cụ già đến em bé trên dưới một lòng, các cụ còn mang cả chuông đình, chuông chùa ủng hộ kháng chiến đúc vũ khí, mang cả cờ thần, áo dậu để may 50 áo trấn thủ gửi ra mặt trận, nhân dân còn phá một sàn đình để đóng thuyền và 15 pho ván để chuẩn bị cho kháng chiến.
Bị thất bại trong chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh, buộc quân Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài với âm mưu "dùng người Việt, đánh người Việt, lấy chiến tranh, nuôi chiến tranh"; dựa vào quân Pháp, bọn lính ở bốt cầu Ràm và tay sai đội lốt tôn giáo ở Bình Hoàng luôn càn quét vào xã ta, chúng đốt phá, khủng bố tư tưởng làm một bộ phận nhân dân hoang mang. Trước tình hình đó, được cấp trên đồng ý, chi bộ chủ trương tạm thời để nhân dân lập tề nhằm thu hoạch lúa chiêm và bố trí một số đảng viên, cán bộ vào ban tề hoạt động hợp pháp, các đảng viên khác rút vào hoạt động bí mật. Chủ trương của chi bộ trong thời gian lập tề phải tranh thủ trấn chỉnh tổ chức, củng cố phong trào chuẩn bị đầy đủ mọi mặt để lãnh đạo nhân dân phá tề, chống càn, giữ đất. Lập tề được một thời gian, thì ban tề Đồng Lạc và ban tề Kim Húc trở thành phản động, một số đảng viên được chi bộ cử vào làm Chánh, phó xã ủy đã phản bội lại Đảng, làm tay sai cho địch, chúng rào làng, canh gác chặt chẽ, bắt cán bộ của ta, khủng bố tinh thần, đánh đập người thân các đồng chí ra ngoài hoạt động; chúng còn thành lập đội nghĩa dũng đi càn quyét các xã lân cận. Được sự chỉ đạo của cấp trên, ngày 20/4/1950 chi ủy đã lãnh đạo đội du kích phục kích tiêu diệt 2 tên Chánh, Phó xã ủy và bắt 4 tên đi an trí. Để triệt tận gốc cơ sở phản động, tạo điều kiện chống càn giữ đất; chi ủy có chủ trương phân hóa những người đã tham gia bộ máy thống trị cũ của thực dân Pháp và bọn tay sai phản động một cách cụ thể và kiên quyết trừng trị những tên tay sai phản động. Với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc sâu sắc, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hồng Đức đã thu được thắng lợi vẻ vang trong kháng chiến chống Pháp, về quân sự chi bộ đã chủ động lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân trong xã đánh địch trong mọi tình huống, phá tề trừ gian 17 lần, diệt 9 tên phản động lợi hại, thu 2 súng trường, 14 lần phối hợp với bộ đội chủ lực chống càn diệt 266 tên địch, thu 8 trung liên, 20 tiểu liên, 33 súng cối 61 ly, 3500 viên đạn và nhiều quân trang, quân dụng khác; về kinh tế, chi bộ đã lãnh đạo chia ruộng công điền cho cả nam và nữ, chia ruộng của Việt gian, ruộng vắng chủ, ruộng hiến điền cho nông dân, vì vậy mà đời sống nhân dân được nâng lên, bước đầu thực hiện được khẩu hiệu người cày có ruộng mà Cương lĩnh của Đảng ta đề ra từ năm 1930; về văn hóa chi bộ đã lãnh đạo tổ chức các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa được duy trì và phát triển; các tệ nạn xã hội đã dần được loại bỏ. Với thành tích vẻ vang trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân xã Hồng Đức được Chính phủ tặng thưởng 1 huân chương kháng chiến hạng III, 12 huân chương, 182 huy chương kháng chiến cho cá nhân, 5 tập thể và 25 gia đình được tặng bằng khen.
Sau thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; tháng 9/1954 Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã vạch ra nhiệm vụ trước mắt cho nhân dân Miền Bắc" Phải đoàn kết đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến để củng cố hòa bình. Đề phòng và khắc phục mọi âm mưu phá hoại hiệp định đình chiến của địch; ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, phục hồi và nâng cao sản xuất, tăng cường củng cố và xây dựng lực lượng quân đội nhân dân để bảo vệ Miền Bắc", Trung ương yêu cầu " Cán bộ, đảng viên phải hết sức nâng cao cảnh giác cách mạng, rèn luyện ý chí chiến đấu, khắc phục tư tưởng hòa bình nghỉ ngơi, hưởng lạc, thủ tiêu đấu tranh". Thực hiện nhiệm vụ chính trị đó, ngày 5/10/1954 chi bộ A2 tổ chức Đại hội lần thứ VI để học tập, quán triệt Nghị quyết của Bộ chính trị, đồng thời đề ra nhiệm vụ cụ thể trong 3 năm khôi phục kinh tế và thực hiện cải cách ruộng đất. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, cán bộ, đảng viên đã lãnh đạo nhân dân tuyên truyền chống âm mưu cưỡng bức đồng bào công giáo di cư vào Miền Nam của địch; ra sức tăng gia sản xuất, khai hoang, phục hóa, đẩy mạnh chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; hoàn thành việc cải cách ruộng đất, khắc phục sai lầm trong thực hiện cải cách ruộng đất, đến tháng 8/1957 cuộc vận động cải cách ruộng đất và sửa chữa sai lầm đã hoàn thành thắng lợi, 11 đảng viên bị quy sai trong cải cách đã được khôi phục quyền lợi chính trị. Những kết quả giành được trong 3 năm khôi phục kinh tế đã làm cho bộ mặt nông thôn có bước chuyển biến quan trọng, tạo tiền đề để chi bộ và nhân dân trong xã vững bước vào thực hiện nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa, đưa nông dân vào làm ăn tập thể.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 13 (khóa II) về nhiệm vụ" Miền Bắc phải tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH" và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 3 năm 1958-1960; Tháng 3/1960 chi bộ Hồng Đức được Tỉnh ủy quyết định chuyển lên thành Đảng bộ, đ/c Ngô Văn Huyền được bầu làm Bí thư Đảng bộ. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong xã hoàn thành cơ bản kế hoạch 3 năm cải tạo XHCN. Thành tựu quan trọng nhất là đã xác lập được quan hệ sản xuất XHCN, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Trên cơ sở sản xuất phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ, bộ mặt thôn xóm được đổi mới; các tổ chức quần chúng, lực lượng vũ trang vững mạnh, là nguồn cổ vũ, động viên cán bộ, nhân dân trong xã vững tin vào thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) với trọng tâm là củng cố HTX nông nghiệp vững mạnh toàn diện, phát triển sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN, gắn củng cố HTX với công tác thủy lợi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nhằm thực hiện 5 cao điểm trong nông nghiệp là cấy lúa, trồng màu, trồng cây, nuôi lợn, nuôi cá được phát triển nhanh chóng. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, công tác văn hóa, Y tế, giáo dục cũng được đảng bộ đặc biệt quan tâm. Công tác xây dựng đảng được chú trọng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên được đặt lên hàng đầu, Đảng bộ đã mở nhiều đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để quán triệt nghị quyết của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nhất là việc quán triệt Nghị quyết Hội nghị chính trị đặc biệt của Trung ương Đảng tháng 3/1964 và lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch" Mỗi người làm việc bằng hai, vì Miền Nam ruột thịt".
Trước hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, hội nghị lần thứ 11 BCH TW Đảng ( khóa III) đã quyết định chuyển nền kinh tế Miền Bắc từ thời bình sang thời chiến, Hội nghị xác định phải " Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yêu của nhân dân trong thời chiến và hậu cần tại chỗ, phục vụ chiến đấu, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ". Nhằm hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương theo nghị quyết của TW Đảng, tháng 6/1965 Đảng bộ xã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ X và phát động phong trào "Ba sẵn sàng" của thanh niên, " Ba đảm đang" của phụ nữ, phong trào thi đua " Hai tốt' của DQTV, " Ba giỏi" của Phụ lão, " Hai tốt": của ngành giáo dục, phong trào " Làm nghìn việc tốt của thanh, thiếu niên", cuộc vận động xây dựng đảng bộ, chi bộ, đảng viên "Bốn tốt"; thực hiện khẩu hiệu " Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", " Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" hàng trăm thanh niên Hồng Đức tình nguyện lên đường nhập ngũ, nhiều gia đình có con trai độc nhất cũng hăng hái lên đường nhập ngũ như gia đình ông Đại, bà Chính, bà Gái thôn Kim Húc; ông Tư, bà Nghi ở Mai Động; ông Cư ở Tế Cầu; bà Thảo, ông Sáu ở Đồng Lạc...
Mùa xuân năm 1975, quân và dân ta mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy, đỉnh cao là chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại, giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước. Để có được thắng lợi vĩ đại đó, Đảng bộ và nhân dân Hồng Đức đã phải đổ bao xương máu, gánh chịu biết bao hy sinh, gần một nghìn lượt người đi bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, tham gia du kích. Chỉ riêng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã có 50 đ/c hy sinh, trong đó có 16 đảng viên; 16 đ/c là thương binh; hàng trăm thân nhân các đồng chí cán bộ, đảng viên bị địch khủng bố, tra tấn; trong kháng chiến chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế có 115 đ/c đã anh dũng hy sinh, 66 đồng chí là thương binh, hàng chục đồng chí là bệnh binh; trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, xã nhà đã có hàng chục gia đình được công nhận là gia đình có công với cách mạng; trong đó một gia đình có 5 con đi bộ đội, bốn gia đình có 4 con đi bộ đội, 15 gia đình có 3 con đi bộ đội, 98 gia đình có 2 con đi bộ đội, 4 gia đình có 2 con là Liệt sỹ như gia đình ông Dương Văn Thinh ở Mai Động, gia đình bà Lê Thị Dậu, bà Lại Thị Ngoạn ở Kim Húc, gia đình ông Nguyễn Văn Phàn ở Tế Cầu; 14 Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng ;165 người con thân yêu đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường; 82 thương binh, 40 bệnh binh; trong những năm gian khổ của kháng chiến, xã có 214 gia đình nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội, thương binh như gia đình bà Ngô Thị Cấn ở Mai Động, gia đình bà Nguyễn Thị Nguyên ở Đồng Lạc. Thành tích của Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Đức được Chính phủ và Hội đồng Nhà nước tặng thưởng 1 huân chương kháng chiến Hạng Nhì, 1 Huân chương kháng chiến Hạng Ba, hàng trăm đ/c được tặng thưởng Huân, Huy chương các loại và nhiều bằng khen, giấy khen.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mở ra một bước ngoặt lịch sử cho dân tộc ta, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ nền độc lập từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Thắng lợi vĩ đại này đã chấm dứt vình viễn ách thống trị hơn 100 năm của thực dân, đế quốc trên đất nước ta. Từ đây, Nhân dân Hồng Đức phấn khởi bước vào kỷ nguyên mới cùng cả nước xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới do đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Tháng 7/1986 Đảng bộ xã Hồng Đức mở Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Đại hội là thảo luận và tham gia đóng góp ý kiến các Văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng khóa VI với tinh thần "Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật" để Đảng quyết định đường lối đổi mới toàn diện về kinh tế- xã hội mà trước hết là đổi mới về tư duy kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới công tác tổ chức, cán bộ. Sau Đại hội Toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đảng bộ đã tổ chức sinh hoạt chính trị để quán triệt, học tập Nghị quyết, đặc biệt là quán triệt, học tập các nội dung về thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế từ tự cung, tự cấp, quan liêu, bao cấp, sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa với nhiều thành phần, đa dạng hóa sản phẩm, có sự quản lý của nhà nước. Xác định kinh tế hộ gia đình có vị trí quan trọng; hướng nhân dân vào việc chyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ để tập trung cho mục tiêu số một là sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Sau học tập, Đảng bộ phát động phong trào thi đua sôi nổi trong các tổ chức đoàn thể, như phong trào" Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", " Áo ấm chiến sĩ" của Hội Phụ nữ; phong trào áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật, làm thủy lợi, hăng hái lên đường nhập ngũ của Đoàn thanh niên; phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hội Nông dân...Đảng ủy còn chỉ đạo chuyển đổi mô hình từ HTX Nông nghiệp sang HTX kinh doanh tổng hợp và tiến hành chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về" Khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động". Tháng 4/1988 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW nhằm sắp xếp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, củng cố và mở rộng quan hệ sản xuất, sử dụng đúng đắn các thành phần kinh tế, giao khoán ruộng đất ổn định lâu dài cho nông dân, xóa bỏ chế độ công điểm trong HTX. Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 28-NQ/TU của Tỉnh ủy Hải Hưng đánh dấu bước quan trọng trong đường lối đổi mới nông nghiệp, nông thôn, người nông dân thực sự được giao quyền tự chủ hoàn toàn, chế độ tập trung, quan liêu bao cấp bị xóa bỏ, nông dân phấn khởi thực hiện quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh.
Nhìn lại chặng đường thực hiện công cuộc đổi mới, đảng bộ và nhân dân xã Hồng Đức đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế- xã hội, từ những làng quê nghèo đói, cực khổ bần hàn, quanh năm úng lụt, ruộng đất manh mún, kỹ thuật canh tác lạc hậu, cùng với cơ chế quản lý kinh tế quan liêu, bao cấp; đến nay nhân dân trong xã đã hoàn thành chương trình chỉnh trang đồng ruộng, nền sản xuất đã và đang chuyển dần sang sản xuất hàng hóa theo hướng Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa; hơn 90 ha diện tích cấy lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho thu nhập cao, hàng chục ha được quy vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, diện tích trồng cây có giá trị kinh tế cao tăng dần hàng năm; đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số nhân dân trong xã được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, năm 2022 đạt 66,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,9%; công nghệ thông tin, kết nối mạng Intơnet; phương tiện nghe, nhìn, xe máy nhà nào cũng có; 100% số hộ được sử dụng điện và nước sạch; hàng năm có trên 80% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 100% đường làng, ngõ xóm, đường liên thôn được bê tông hóa, nhựa hóa, đường nội đồng cơ bản đảm bảo cho phương tiện vận chuyển hàng hóa của nhân dân, 100% diện tích được làm đất bằng máy, trên 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn, 4/4 làng phát huy và giữ vững danh hiệu làng văn hóa; trường Trung học cơ sở, trường Tiểu học, trường Mầm Non, Trạm Y tế đạt chuẩn Quốc gia; xã được công nhận xã Nông thôn mới năm 2017, Hưởng ứng phong trào xây dựng xã NTM nâng cao với mục tiêu toàn thể nhân dân chung sức đồng lòng xây dựng NTM năm 2022 nhiệm vụ đột phá để đạt được xã Nông thôn mới nâng cao đó là tuyên truyền vận động nhân dân cùng nhau chung tay góp sức để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, đã có nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều công dân ưu tú, có tâm huyết đã hiến đất để mở rộng đường thôn xóm, tài trợ, đầu tư ứng trước để xóm làng có những tuyến đường giao thông khang trang sạch đẹp kiên cố chào đón năm mới 2023 Mừng Đảng mừng xuân Quý Mão.
Về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân; qua 76 năm phấn đấu trưởng thành, từ khi thành lập chi bộ mới có 2 đảng viên, đến nay Đảng bộ có 249 đảng viên sinh hoạt tại 9 chi bộ trực thuộc. Hầu hết cán bộ, đảng viên trong đảng bộ luôn tu dưỡng, rèn luyện và giữ vững phẩm chất đạo đức, cách mạng trong sáng, được nhân dân tin yêu có 230 đảng viên của đảng bộ đã được Đảng tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng qua các thời kỳ, hàng chục đảng viên là sĩ quan QĐND, Công an nhân dân hoàn thành nhiệm vụ được nghỉ chế độ; hàng năm có từ 75-80% số đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, trên 80% số chi bộ được đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng bộ, chính quyền nhiều năm liên tục được công nhận đạt danh hiệu đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; cùng với sự trưởng thành của đảng bộ 76 năm qua, đảng bộ thường xuyên chăm lo xây dựng, kiện toàn, củng cố chính quyền, MTTQ các đoàn thể nhân dân vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ, góp phần đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Kính thưa toàn thể nhân dân, thưa các đồng chí
Từ thực tiễn đấu tranh, xây dựng, cống hiến và trưởng thành 76 năm qua đã để lại nhiều kinh nghiệm quý giá để Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn cách mạng mới chúng ta cần làm tốt một số nội dung sau:
Một là: Phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; thực tế đã chứng minh, trong những giờ phút nguy nan của lịch sử, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng đã giúp cho cách mạng vững bước đi lên, vượt qua khó khăn hiểm nguy. Ở xã nhà, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, quê hương bị địch khủng bố khốc liệt, cơ sở đảng bị phá vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên hy sinh, hoặc bị địch bắt, song có sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, cán bộ, đảng viên đã kiên cường bám đất, bám dân, giữ vững phong trào, dũng cảm chiến đấu chống quân thù và được nhân dân hết lòng nuôi giấu, bảo vệ, nhờ vậy phong trào được giữ vững, cán bộ, đảng viên, nhân dân liên tục tiến công địch giải phóng quê hương. Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước nhân dân xã nhà cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ xã, cán bộ, đảng viên và nhân dân vững tin, kiên định lập trường đi theo đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đã từng bước thoát khỏi cuộc khủng hoảng, kinh tế, địa phương đã đạt những thành tựu quan trọng, đời sống nhân dân được ổn định và tiếp tục phát triển.
Hai là: Phải thường xuyên chăm lo xây dựng chính quyền và củng cố các đoàn thể quần chúng vững mạnh. Chính quyền cấp cơ sở có vai trò thiết thực trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước trực tiếp đến người dân và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật ở địa phương. Để chủ trương, chính sách được thực hiện có hiệu quả, kỷ cương, phép nước được giữ vững thì phải có chính quyền vững mạnh, với đội ngũ cán bộ có khả năng chỉ đạo, điều hành hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Đồng thời phải phát huy vai trò quản lý, tính chủ động của chính quyền gắn với cải cách thủ tục hành chính. Cùng với việc xây dựng chính quyền vững mạnh phải quan tâm củng cố các đoàn thể nhân dân, bởi sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do Đảng lãnh đạo; không có các đoàn thể vững mạnh thì Đảng bộ không hoàn thành nhiệm vụ, vì đây là lực lượng nòng cốt, xung kích của Đảng, do vậy phải gắn liền công tác xây dựng Đảng bộ, chính quyền với củng cố các đoàn thể quần chúng thực sự vững mạnh.
Ba là: Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Chủ tịch Hồ CHí Minh đã đúc kết" Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công". Nhân dân Hồng Đức vốn có truyền thống đoàn kết từ lâu đời, nhờ đó đã tạo thành sức mạnh to lớn chống trọi với thiên tai, dịch bệnh với kẻ thù, biến vùng đất đầm lầy, hoang vu ngày xưa thành làng mạc trù phú ngày nay. Nhờ có sự đoàn kết toàn dân, sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng mà đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân giành và giữ chính quyền cách mạng, động viên mọi nguồn lực trong nhân dân để tham gia kháng chiến thắng lợi, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp, văn minh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thưa toàn thể các đồng chí
76 năm chiến đấu và trưởng thành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Đức, là chặng đường gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào; mỗi chúng ta hôm nay, càng phải trân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả cách mạng mà đảng bộ, nhân dân Hồng Đức đã đạt được; chúng ta càng thấm thía và biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu; càng thấu hiểu, tin yêu và tự hào thêm về dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong niềm vui nhân dịp 76 năm ngày thành lập đảng bộ xã, Đảng bộ và nhân dân Hồng Đức thành kính tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, cán bộ, đảng viên, dân quân- du kích và nhân dân trong xã đã chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay của Đảng bộ và nhân dân trong xã.
Đảng bộ và nhân dân Hồng Đức bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Tỉnh ủy, Huyện ủy, các thế hệ lãnh đạo của Tỉnh, của Huyện qua các thời kỳ đã lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện để Đảng bộ và nhân dân Hồng Đức phấn đấu có được thành quả như hôm nay; Đảng bộ và nhân dân Hồng Đức tỏ lòng biết ơn cán bộ đảng viên, nhân dân các xã Ninh Hòa, Vạn Phúc, An Đức, Quang Hưng, Đức Xương, Thống Kênh, Quảng Nghiệp đã cưu mang, đùm bọc cán bộ, đảng viên Hồng Đức hoạt động, nhân dân Hồng Đức tản cư, lánh nạn trong kháng chiến trước đây và luôn đồng hành, giúp đỡ Đảng bộ và nhân dân Hồng Đức trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Phát huy truyền thống 76 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ phải ra sức phấn đấu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiên định sự nghiệp đổi mới.
Đảng bộ lãnh đạo nhân dân thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, bên cạnh nhiều thuận lợi, cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới.
Trước tình hình đó đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Hồng Đức hơn bao giờ hết, phải phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để xây dựng quê hương Hồng Đức giầu đẹp văn minh, gắn với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư BCH TW Đảng khóa XIII, về đấu tranh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", ‘’tham nhũng, tiêu cực’’ trong nội bộ với việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; Mỗi đảng viên, cán bộ trong đảng bộ phải “Thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm
Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta
Nguồn: Đ/c Nguyễn Quý Chiều, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy.