Diện mạo nông thôn mới ở xã Nhân Quyền (Bình Giang) hôm nay
Hạ tầng đồng bộ
Niềm vui mỗi buổi chiều của bà Vũ Kim Mính, 88 tuổi, ở xã Nhân Quyền (Bình Giang) là đi dạo trên đường làng để ngắm nhìn quê hương đổi mới. Những con đường đất nắng thì bụi còn mưa thì sình lầy là nỗi ám ảnh với người dân trong suốt thời gian dài đã không còn mà thay vào đó là con đường bê tông phẳng phiu, rộng rãi. Hai bên đường được điểm tô bởi hoa và cây xanh làm khung cảnh làng quê càng thêm yên bình, trong lành. Bà Mính chỉ tay về phía trước phấn khởi nói: "Chỗ kia lúc trước là thùng trũng, cỏ dại cao quá đầu người mà giờ thành nơi rèn luyện sức khỏe của người dân và điểm vui chơi của trẻ nhỏ. Còn khu này mới ngày nào đường đi lối lại khó khăn, bây giờ nhà cao tầng đã mọc lên san sát".
Trong mắt mỗi người dân, xã Nhân Quyền đang "thay da đổi thịt" từng ngày với cơ sở hạ tầng hoàn thiện và đồng bộ. Các tuyến đường trục xã, đường thôn, thậm chí đường vào xóm được trải nhựa, bê tông rộng rãi không thua kém đường ngoài phố. Trạm y tế, nhà văn hóa, trường học... được đầu tư xây dựng khang trang. "Nhắc tới làng quê, người ta sẽ liên tưởng tới những thứ cũ kỹ, lạc hậu nhưng xã Nhân Quyền đã chứng minh điều ngược lại. Mọi thứ đều đẹp đẽ, khang trang", ông Lê Xuân Anh, cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới (NTM) của xã khẳng định.
Xã Bạch Đằng (Kinh Môn) cũng gây ấn tượng với nhiều người về một làng quê được quy hoạch bài bản. Khu dân cư, khu chuyển đổi được sắp xếp hợp lý và kết nối bởi hệ thống giao thông thuận lợi. Một số tuyến đường thôn rộng đến 7-8 m, bằng đường trục xã ở những nơi khác. Hệ thống đường dẫn nước thải xây dựng khép kín nên đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp. Những công trình công cộng cấp thôn như nhà văn hóa, sân vận động... cũng khang trang. Ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã giới thiệu về thay đổi ở địa phương: "Ngoài điện, đường, trường, trạm là những thứ thiết yếu phải quan tâm đầu tư, xã cũng đã tiếp cận những công nghệ mới, từng bước hiện đại hóa quê hương". Để chứng minh cho lời nói của mình, ông Tặng rút điện thoại, thao tác nhấn nút đơn giản để bật toàn bộ đèn chiếu sáng được lắp đặt ở đường trục chính.
Phong trào xây dựng NTM đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn trong tỉnh. Từ NTM đến NTM nâng cao và giờ là NTM kiểu mẫu đã khoác lên "tấm áo mới" cho những địa phương như Nhân Quyền, Bạch Đằng để trở thành những làng quê đáng sống.
Nếp sống văn minh
Nông dân xã Đức Chính (Cẩm Giàng) sống dựa vào nông nghiệp nhưng thu nhập lại rất đáng nể với 75 triệu đồng/người/năm, thuộc tốp đầu của tỉnh. Nhờ khai thác lợi thế đất bãi ven sông, nông dân Đức Chính không phải đi đâu xa mà lập nghiệp ngay tại quê nhà. Đây cũng là lý do mà xã có đời sống văn hóa cộng đồng phong phú. Cuộc sống càng khấm khá thì người dân càng gắn kết. Ở đây có 9 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên hoạt động. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu giải trí của người dân, xã xây dựng một nhà văn hóa trung tâm có sức chứa 300 người. Sân vận động rộng 11.000 m2 tích hợp nhiều môn thể thao như bóng đá, bóng bàn, cầu lông... và khu vui chơi miễn phí cho trẻ em. Bà Nguyễn Thị Cải ở thôn Yển Vũ hào hứng nói: "Dù lúc bận bịu với việc đồng áng hay khi rảnh rỗi thì mỗi tối, tôi đều có mặt ở nhà văn hóa thôn để luyện hát chèo. Đây là thú vui của tôi trong vài năm nay. Những chị em nào không thích hát thì có thể nhảy dân vũ. Còn cánh đàn ông quây quần bên ấm trà chia sẻ chuyện nhà, chuyện làng. Cứ thế, tình làng nghĩa xóm ngày một bền chặt, khăng khít. Vừa qua, vở chèo về xây dựng NTM kiểu mẫu của thôn được giải cao cấp xã rồi cấp huyện nên ai nấy đều vui mừng".
Bạch Đằng không chỉ là xã kiểu mẫu về cơ sở vật chất mà còn văn minh trong nếp sống. Việc cưới, việc tang đã không còn những hủ tục lạc hậu, rườm rà mà được tổ chức nhanh gọn, tiết kiệm song vẫn giữ những nghi lễ, phong tục truyền thống tốt đẹp. Người dân đón nhận thành quả của NTM trong một tâm thế mới khi toàn bộ số hộ đều là gia đình văn hóa. Và từ hạt nhân gia đình văn hóa đã góp phần xây dựng làng văn hóa. 3 thôn của xã đã duy trì danh hiệu làng văn hóa trong nhiều năm liền. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở đây rất phong phú. Minh chứng là mỗi thôn ngoài sân vận động có diện tích hơn 2.500 m2 thì đều có thêm sân chơi mini rộng 800 m2. Môi trường sống lành mạnh đã đẩy lùi được những tiêu cực của cơ chế kinh tế thị trường. Vì thế, an ninh trật tự trong xã ổn định, không xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật. Xã Bạch Đằng còn gây ấn tượng bởi cách đối đãi chân tình giữa chính quyền với nhân dân. Ở đây, cán bộ, công chức không có khái niệm làm hết giờ mà chỉ làm hết việc. Không sách nhiễu, phiền hà, không máy móc, quy trình chính là cách mà chính quyền địa phương tạo dựng lòng tin trong nhân dân. "Có lẽ vì điều này mà địa phương từ xã khó đã trở thành xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của thị xã", ông Tặng khẳng định.
3 xã Nhân Quyền, Đức Chính và Bạch Đằng không chỉ đáng sống bởi cơ sở vật chất bề thế với mức sống cao mà đời sống tinh thần của người dân cũng phong phú. Đây cũng là 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên ở Hải Dương. Thành tích của 3 xã chính là động lực thôi thúc các xã còn lại không được chậm trễ trên con đường trở thành nơi đáng sống của người dân. |