Lợi ích của cải cách hành chính và áp dụng Chính phủ điện tử
Lợi ích kinh tế của cải cách hành chính và áp dụng Chính phủ điện tử là hiện thực, to lớn và đa dạng; kéo theo những lợi ích khác không thể đo đếm bằng tiền - đó là sự cải thiện lòng tin chính sách, sự tín nhiệm vào năng lực, trách nhiệm quản lý Nhà nước - đó là sự thành công trong nắm bắt cơ hội thị trường và sự phản ứng hiệu quả trong chính sách quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp trước biến động bối cảnh, kéo theo những gia tăng về động lực tăng trưởng, việc làm và an sinh xã hội, tín nhiệm và năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp…
Đằng sau mỗi thủ tục và chữ ký là nghĩa vụ, quyền lực và lợi ích của người và cơ quan có trách nhiệm. Đằng sau mỗi cải cách hành chính và mở rộng áp dụng Chính phủ điện tử là sự dũng cảm và nỗ lực cải cách thể chế, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản trị Nhà nước, khắc phục tình trạng chậm, muộn, nhũng nhiễu và tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước, để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn…
“Không thể có nền kinh tế 4.0 với một thể chế 1.0”, không thể lái ô tô với tư duy người đi xe đạp, với tinh thần đó, ngày 12-5-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Đây là Chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, với mục tiêu từ năm 2020 đến 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31-5-2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31-10-2020).
Đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân...
Thể hiện quyết tâm của Chính phủ, với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chương trình cải cách còn hướng đến nâng cao chất lượng văn bản dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành (bao gồm quy định thủ tục hành chính, về yêu cầu, điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh, về chế độ báo cáo, về tiêu chuẩn, quy chuẩn và về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu).
Đồng thời, tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện các quy định này trên thực tế thông qua đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân; Ngoài ra, hướng tới thay đổi lề lối và cách thức xem xét, đánh giá kết quả làm việc của công chức, nhất là trong chấp hành xử lý đúng thời gian quy định…
Những thành công dù là bước đầu cũng rất đáng ghi nhận, biểu dương và cần tiếp tục mạnh mẽ hơn, thực chất hơn, cả bề rộng và bề sâu, cả trước mắt và lâu dài, vì một Việt Nam sớm trở thành nước phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo Anninhthudo.vn