Hướng dẫn về việc phòng trừ một số sâu bệnh hại lúa, rau màu, cây ăn quả vụ xuân 2022
Hiện nay, các trà lúa chiêm xuân đang trong giai đoạn làm đòng đến trỗ. Theo dự báo trong nhiều ngày tới có mưa, gió, ẩm độ không khí cao, trời âm u, đêm và sáng se lạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Đối với cây vải: trà vải sớm đang ở giai đoạn hình thành cùi, trà vải muộn đang ở giai đoạn quả non. Đối với dưa, bầu bí đang ở giai đoạn hoa đến quả non. Từ thời điểm này trở đi, các loại cây trồng sẽ dễ bị nhiễm sâu bệnh hơn, nhất là khi gặp điều kiện thời tiết bất thuận. Để việc phòng trừ sâu bệnh hại lúa, cây ăn quả đạt hiệu quả cao, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hồng Đức thông báo:
I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH HẠI THỜI GIAN TỚI
1. Chuột hại: Chuột gây hại rải rác trên các trà lúa, hại nặng trên diện tích lúa ven gò đống cao, khu vực thiếu nước, gần khu dân cư…
2. Bệnh đạo ôn lá: Tiếp tục phát sinh gây hại rải rác trên các giống lúa đang trong giai đoạn làm đòng, đặc biệt các giống lúa mẫn cảm với bệnh như: P6, Q5, nếp, TBR 225...
3. Bệnh đạo ôn cổ bông: Bệnh có thể phát sinh gây hại trên tất cả diện tích các giống lúa khi lúa trỗ gặp điều kiện thời tiết bất thuận (biên độ nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, trời âm u, số giờ nắng trong ngày thấp, ẩm độ không khí cao, có sương về đêm hoặc có mưa...).
4. Bệnh khô vằn và đen lép hạt:
- Bệnh khô vằn: đã phát sinh gây hại rải rác trên diện tích lúa chân trũng cấy dầy, bón phân không cân đối. Trong thời gian tới bệnh tiếp tục phát triển nhanh gây hại trên nhiều giống lúa, gây hại tới cuối vụ, hại nặng trên diện tích lúa cấy dầy và bón phân không cân đối.
- Bệnh đen lép hạt: Bệnh phát sinh gây hại khi lúa trỗ trong điều kiện thời tiết có không khí lạnh, ẩm độ không khí cao, nắng mưa xen kẽ gây hiện tượng lép và đen hạt làm giảm năng suất.
5. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Tăng cường theo dõi đối với bệnh bạc lá và bệnh đốm sọc vi khuẩn bởi lúa đang thời kỳ làm đòng đến trỗ. Đây là thời kỳ cây lúa rất rễ bị mắc bệnh này, nhất là khi gặp thời tiết có mưa rào, mưa dông.
6. Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non sẽ gây hại cục bộ trên một số diện tích trà xuân muộn (diện tích lúa đang có đòng đến chuẩn bị trỗ bông).
7. Rầy nâu – rầy lưng trắng: Tiếp tục phát sinh, tích lũy gây hại đến cuối vụ.
8. Trên dưa, bầu bí:
- Bọ trĩ, bọ phấn: Thường tập trung gây hại nặng trên cây dưa ở giai đoạn cây con đến khi cây ra hoa kết trái non, gây hại các bộ phận non của cây, gây hại ở bộ phận gần gân lá, mặt dưới lá làm cho lá xoăn có mầu vàng, ngoài ra còn là môi giới truyền bệnh viruts.
- Bệnh giả sương mai, phấn trắng: Nếu thời tiết nắng nóng có mưa ẩm bệnh phát sinh, lây lan gây hại.
9. Trên vải:
- Sâu đục hạt: Trưởng thành tiếp tục vũ hóa, đẻ trứng trên các trà vải. Sâu non nở gây hại quả trà vải sớm, vải nhỡ từ thời điểm này trở đi. Ngoài ra sâu đo, bọ xít…
- Bệnh thán thư: Nếu thời tiết nắng nóng có mưa ẩm bệnh phát sinh, lây lan gây hại quả các trà vải.
- Bệnh sương mai: Nếu thời tiết có mưa ẩm bệnh phát sinh gây hại quả các trà vải.
Ngoài ra còn rụng quả sinh lý, rệp sáp, rệp muội, ...
II. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ
1. Bệnh đạo ôn lá: Phun phòng trừ bệnh kịp thời khi trên lúa chớm xuất hiện vết bệnh (chú ý các giống nhiễm như P6, Q5, Nếp và bón phân không cân đối), hoặc những diện tích bị bệnh nhưng chưa có dấu hiệu dừng. Khuyến cáo nông dân lên chọn những loại thuốc có chứa hoạt chất Tricyclazole, Fenoxanil,…như thuốc: Filia 525 SE, Angate 75 WP, Flash 75WP, MapFamy 700WP, Katana 20 SC, Fu- amy 40 EC, Nativo 750WG…để phun. Nếu ruộng bị bệnh nặng thì phải vơ bớt lá bị bệnh đem tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh trên ruộng sau đó mới phun thuốc phòng trừ; phun lại lần 2 sau lần 1 từ 3- 5 ngày (phun đúng nồng độ được ghi trên bao bì, phun đủ từ 20 đến 30 lít nước thuốc đã pha cho 1 sào, phun ướt đều toàn bộ lá lúa).
2. Bệnh đạo ôn cổ bông: Phun phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông đối với toàn bộ diện tích lúa thấp tho trỗ, phun nhắc lại lần 2 sau lần thứ nhất 5-7 ngày (nếu lúa trỗ gặp điều kiện thời tiết trời âm u, biên độ nhiệt độ giữa ngày và đêm cao, có mưa hoặc có sương về đêm) bằng một trong các loại thuốc sau: Amylatop 325SC, Amistar top 325 SE, Nativo 750WG, Eminent 125/150SE, Filia 525 SE, KaTaNa 20SC, Flash 75WP, MapFamy 700WP,...để phun.
3. Bệnh khô vằn và đen lép hạt:
- Bệnh khô vằn: Phun thuốc khi bệnh chớm xuất hiện bằng một trong các loại thuốc nội hấp và lưu dẫn sau: Amylatop 325SC, Amistartop 325SC (pha 15 ml thuốc cho 16-20 lít phun cho 1 sào), Topvil 50SC, Doctor 5ME, ...( pha 40 ml thuốc cho 16-20 lít phun cho 1 sào).
- Bệnh đen lép hạt: Phun phòng bệnh đen lép hạt đối với toàn bộ diện tích lúa thấp tho trỗ(khi lúa trỗ gặp điều kiện thời tiết trời âm u, có mưa hoặc có sương về đêm) bằng một trong các loại thuốc sau: Amylatop 325SC, Amistar top 325 SE, Tilsuper 300 EC, Nevo 330 EC, Uni-Dipro 300EC (pha 15 ml thuốc cho 16-20 lít phun cho 1 sào) ...
4. Sâu cuốn lá nhỏ: Phun trừ sâu cuốn lá nhỏ, khi mật độ sâu non đạt 20C/m2 trở lên, đặc biệt trên diện tích lúa đang đòng non, xanh tốt, bón nhiều đạm, cấy dầy bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Flubendiamide, Indoxacarb, Emamectin benzoate, Clorantranniliprole như Takumi 20WG, Prevathon5SC, Map Dona 265 EC, Vitako 40WG, Browco 50WG, Foos Sure 68WG, Obaone 95WG, Match 50EC hoặc Sunsec 600WG(liều lượng phun theo hướng dẫn trên bao bì),…
- Thời gian phun: sâu cuốn lá diễn biến phức tạp, dải lứa và tình hình sinh trưởng lúa ở các trà và ở các thời điểm gieo cấy khác nhau, Do đó đối với trà lúa đang làm đòng đến thấp tho trỗ, cần phòng trừ sâu cuốn lá, phun từ ngày 02/5 đến 06/5 (tùy theo từng khu đồng) ; chỉ đạo phun nhắc lại sau phun lần 1 từ 4-5 ngày trên những diện tích có mật độ sâu cao, rải lứa hoặc phun lại ngay nếu sau phun gặp mưa nặng hạt, khi phun phải đảm bảo đủ 16-20 lít thuốc đã pha cho một sào.
- Không nên dùng các loại thuốc có hoạt chất là clopyphot để trừ sâu cuốn lá nhỏ vì hoạt chất này hiệu quả rất thấp đối với sâu cuốn lá nhỏ.
5. Chuột hại
Tăng cường tổ chức diệt trừ chuột bằng các biện pháp trong đó chú trọng biện pháp thủ công như: phát động phong trào huy động mọi tầng lớp nhân dân dùng đèn soi bắt, đập, dùng bẫy bán nguyệt... để hạn chế tới mức thấp nhất chuột phát sinh (tích lũy tăng số lượng), di chuyển gây hại ra diện rộng. Nghiêm cấm việc dùng điện để diệt chuột dưới mọi hình thức.
6. Đối với cây dưa, bầu bí
- Nông dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, lên luống cao, bón phân cân đối, tỉa bỏ, thu gom lá bị hại mang tiêu hủy.
- Đối với bọ trĩ, bọ phấn: lên sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Acetamiprid để phun cho cây vào buổi chiều mát , khô lá.
- Đối với bệnh giả sương mai: sử dụng thuốc Zineb 80 WP, Mancozeb80 BTN 0,25%, Ridomill 72wp, Daconil 75MZ 0,1-0,25%... phun cho cây, đặc biệt chú ý phun mặt dưới lá.
- Phấn trắng dùng: Sử dụng thuốc Anvil 5SC 0,25%, Bavistyn 50FL, Viben-C 50BTN 0,2%... phun cho cây vào buổi chiều mát, khô lá.
7. Đối với cây vải
- Nông dân thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc, bón phân để nuôi quả, trong đó lưu ý tăng cường bón kali để nâng cao chất lượng quả, có thể tỉa bớt những quả kém phát triển (quả đèo, quả đẹn...) trên những cây có quả sai.
- Đối với sâu đục hạt: Dùng thuốc Virtako 40WG, Prevathon 5SC, Prevathon 35WG, Voliam Tago 63SC để phun. Trong đó cần tập trung cao điểm từ nay đến 15/5 trên trà vải sớm và tập trung trong tháng 5 cho trà vải muộn (lần 2 cách lần 1 từ 6 đến 7 ngày).
- Đối với bệnh sương mai: Dùng Ridomin 68WG, Ricide 72WP, Antracol 70WP, Dosay45WP… phun cho các trà vải.
- Đối với bệnh thán thư: Dùng Amistar 250SC, Haohao 600WP hoặc Anvil 5SC, Manage 5WP … phun phòng trừ khi thấy bệnh chớm xuất hiện.
- Đối với sâu đo: Dùng Dylan 2EC, Pounce 50EC, Peran 50EC, Kinalux 25EC, … phun trừ khi phát hiện mật độ sâu đo 0,25con/cành,
- Đối với bọ xít, rệp muội: Dùng Karate 2.5EC, Cyperkill 10EC, Altach 5EC, ... phun trừ khi thấy mật độ bọ xít 1con/cành, rệp muội 5% số cành.
(Không hỗn hợp quá nhiều loại thuốc để phun và luân phiên sử dụng thuốc trong quá trình sử dụng để hạn chế tính kháng thuốc của sâu).
III. ĐỀ NGHỊ
HTXDV nông nghiệp xã đề nghị:
1. Đài phát thanh xã kịp thời đưa tin về diễn biến bệnh đạo ôn hại lúa và biện pháp phòng trừ tới các hộ nông dân.
2. UBND xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về việc chấp hành các quy định của nhà nước trong kinh doanh, buôn bán, quản lý, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. các tổ dịch vụ, khuyến nông viên cơ sở tăng cường hướng dẫn nông dân kiểm tra kỹ đồng ruộng phát hiện vết bệnh đạo ôn sớm và phòng trừ kịp thời, đồng thời đảm bảo đủ nước để duy trì mực nước trong ruộng lúa cho nông dân phòng trừ bệnh đạo ôn đạt hiệu quả cao.
3. Các đại lý kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn xã cung ứng các loại thuốc chất lượng và có trách nhiệm hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc đúng kỹ thuật, đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn.
4. Các tổ thủy nông cần chủ động đảm bảo nước dưỡng đầy đủ cho cây lúa phát triển cũng như thuận lơi cho việc phòng trừ sâu bệnh.
5. Các hộ nông dân chủ động kiểm tra thăm đồng, chú ý theo dõi diễn biến sâu bệnh hại lúa, cây ăn quả và biện pháp phòng trừ trên Đài phát thanh xã, và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo 4 đúng, thu gom bao bì sau khi sử dụng về đúng nơi quy định./.
CTHĐQT KIÊM GIÁM ĐỐC: Vũ Văn Kiên