SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa đầu vụ xuân năm 2023
24/02/2023 02:08:36

Hướng dẫn biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa đầu vụ xuân năm 2023

Hiện nay, nông dân các thôn trên địa bàn đã cơ bản gieo cấy xong vụ lúa chiêm xuân trong khung thời vụ. Các trà lúa xuân phát triển tốt, cây lúa đang bước vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh, ra lá mới đến đẻ nhánh. Để tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, chống chịu sâu bệnh tốt, đạt năng suất cao. HTX Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn khuyến cáo nông dân một số biện pháp kỹ thuật về chăm sóc lúa vụ xuân 2023, cụ thể như sau:

1. Cần rà soát lại diện tích lúa đã gieo cấy để tỉa, dồn dặm đảm bảo mật độ. Việc tỉa dặm cần phải làm sớm trước khi lúa đẻ nhánh.

2. Để ruộng lúa đạt năng suất cao, cần thực hiện điều tiết nước theo phương pháp “nông-lộ-sâu”.

- Giai đoạn “nông”: Ở thời kỳ từ cấy đến lúc đẻ nhánh đạt đủ số dảnh hữu hiệu, nên để mực nước trong ruộng từ 2-3 cm.

- Giai đoạn “lộ” (tháo cạn nước): Ở thời kỳ từ cuối đẻ nhánh đến trước đứng cái, giai đoạn này nên tháo cạn nước ít nhất từ 7-10 ngày.

- Giai đoạn “sâu”: Ở thời kỳ lúa sắp đứng cái đến đỏ đuôi nên để mực nước sâu trong ruộng từ 5-6 cm. Trước khi thu hoạch một tuần tháo cạn nước để lúa chín đều và thu hoạch thuận lợi.

3. Theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, sinh trưởng của cây lúa để sử dụng phân bón cho lúa, tuyệt đối không bón phân cho lúa khi nhiệt độ trung bình ngày đêm dưới 150C. Phân bón cho lúa xuân cần tuân thủ nguyên tắc bón phân cân đối, đủ lượng. Sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón tổng hợp NPK. Tăng lượng phân kali cho giai đoạn đón đòng. Khi lúa bén rễ hồi xanh nông dân tiến hành bón thúc cho lúa đẻ nhánh kịp thời.

3.1. Loại phân bón thúc đẻ nhánh

Tuỳ theo chân đất, giống và lượng phân bón đã bón lót để cân đối lượng phân bón thúc đẻ nhánh. Có thể sử dụng một trong các loại phân bón tổng hợp NPK sau: Phân Đầu trâu Bình Điền L1, phân Con ó R2, phân Con cò 16:16:8 hoặc loại 10:6:4, phân NPK Phú Mỹ 16: 16: 8+ 13S+ TE...

3.2. Lượng phân bón:

- Đối với ruộng lúa cấy: Lượng bón: 6-7 kg NPK + 1-2kg Urê/sào.

- Đối với lúa gieo vãi:

+ Bón thúc lần 1: Khi lúa đạt 2,5-3 lá, lượng bón: 2- 3 kg NPK/sào.

+ Bón thúc lần 2: Khi lúa đạt 4-5 lá, lượng bón: 3-4 kg NPK + 1-2kg Urê/sào.

(Kết hợp với tỉa dặm mật độ 100 khóm/m2)

4. Phòng trừ sâu bệnh

- Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp diệt trừ chuột (chú trọng diệt chuột gần khu chuyển đổi, khu dân cư, bãi rác, gò đống...).

- Sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc bươu vàng theo đúng hướng dẫn. Nên sử dụng loại thuốc trừ cỏ có hoạt chất an toàn (Fenclorim) cho lúa vãi và chân ruộng cấy mạ non.

- Tăng cường kiểm tra, phát hiện, kịp thời phòng trừ tuyến trùng, mọt nước trên diện tích gieo vãi bằng vôi bột (20 kg/sào), kết hợp với phun thuốc có chứa hoạt chất Thiamethoxam, diflubenzuron như Vitako 40WG, Sieucheck 700WP...

Đ.c Vũ Văn Kiên- CTHĐQT kiêm Giám đốc HTXDVNN

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HỒNG ĐỨC - HUYỆN NINH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Ông Tạ Ngọc Quyên - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: UBND xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0987071329

Email: 

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0