HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CHĂM SÓC BÓN ĐÓN ĐÒNG LÚA MÙA NĂM 2022
Hiện nay, diện tích các trà lúa mùa trên địa bàn xã chuẩn bị bước vào thời kỳ phân hóa đòng (biểu hiện lúa từ màu xanh chuyển sang xanh vàng, lá đòng nhọn, chóp lá có thắt eo, tròn cây). Để giúp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, hình thành đòng, bông to, nhiều hạt chắc, trỗ thoát nhanh và đều trong khung thời vụ, cho chất lượng gạo ngon. HTX Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, khuyến cáo nông dân làm tốt một số biện pháp chăm sóc lúa giai đoạn này như sau:
1. Chế độ nước
Ở giai đoạn cây lúa bước vào thời kỳ phân hóa đòng cần duy trì và giữ mực nước ổn định từ 5-7cm trong suốt quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Trước khi thu hoạch 1 tuần thì tháo cạn nước cho lúa chín đều và thu hoạch được thuận lợi.
2. Chế độ phân bón
Bón phân ở giai đoạn phân hóa đòng sẽ tác động trực tiếp đến các chỉ tiêu năng suất lúa như chiều dài bông, số hạt chắc/bông, trọng lượng hạt. Ở giai đoạn phân hóa đòng, cây lúa cần nhu cầu lớn về dinh dưỡng, đặc biệt là kali. Vì kali có tác dụng xúc tiến quá trình quang hợp, hình thành và vận chuyển các chất dinh dưỡng, chất bột, đường trong cây; giúp cứng cây, chống đổ ngã, giảm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn gây hại, khắc phục hiện tượng vươn lá, lốp đổ… do bón thừa đạm (bón thừa đạm làm cho lá vươn dài, non, mềm, tạo điều kiện cho nhiều sâu bệnh xâm nhập vào cây dễ dàng, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn).
Vì vậy, bón đón đòng ở giai đoạn lúa bước vào thời kỳ phân hóa đòng, đặc biệt là nên sử dụng Kali đơn để bón cho lúa có ý nghĩa quan trọng với cả vụ lúa. Cần phải tập trung bón một trong các loại phân bón tổng hợp NPK sau: phân Đầu trâu Bình Điền L2, phân Con ó R3, phân Con cò 10:5:30... với lượng bón là: 3-4 kg/sào + 2 kg Kali.
Hoặc sử dụng phân Kali đơn: 3-5 kg/sào...
* Lưu ý:
- Nếu sử dụng phân bón 1 lần ở giai đoạn bón lót hoặc đẻ nhánh thì bón thêm 2-3 kg kali đơn.
- Đối với các giống lúa lai, lúa chất lượng cao,...cần tăng cường bón kali, đặc biệt khi sử dụng lượng phân bón cho bón đón đòng như trên cần phải bón bổ sung thêm 1-2 kg kali đơn.
- Khi lúa đã nhiễm bệnh bạc lá tuyệt đối không được bón thêm đạm đơn hoặc NPK có hàm lượng đạm cao và không được phun phân bón qua lá, kích thích sinh trưởng...
3. Phòng trừ sâu bệnh
3.1. Đối với chuột hại
Duy trì tổ chức đánh chuột thường xuyên, liên tục. Thời kỳ lúa đứng cái làm đòng: tổ chức ít nhất từ 1-2 đợt đánh chuột đồng loạt cả ngoài đồng và trong khu dân cư bằng cả biện pháp thủ công và hóa học; chủ yếu bằng thủ công đào bắt, bẫy bả ở giai đoạn này.
3.2. Đối với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn
Bệnh này không có thuốc trừ đặc hiệu, chủ yếu áp dụng các biện pháp phòng bệnh để cây lúa khỏe tăng khả năng chống chịu và phun phòng bệnh trước các đợt mưa giông, gió bão để hạn chế vi khuẩn xâm nhập, do vậy:
- Nông dân cần thực hiện quy trình chăm sóc bón phân cân đối để phòng bệnh ngay từ đầu vụ: Bón phân sớm, tập trung, không bón lai rai, bón phân cân đối, tăng cường bón kali ở giai đoạn lúa phân hóa đòng, hạn chế bón đạm đơn và hạn chế bón thừa đạm ở giai đoạn đón đòng để phòng bệnh;
- Từ giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng đến trỗ bông là giai đoạn mẫn cảm của lúa với bệnh này, cần theo dõi sát diễn biến của thời tiết để tổ chức phun phòng trước và sau các đợt mưa dông, gió bão, nhất là trên các chân ruộng cấy giống lúa nhiễm, ruộng trũng, hẩu, cấy dày, giống có bản lá to, ruộng thừa đạm…
3.3. Sâu bệnh gây hại khác
Thời tiết nắng nóng, mưa giông, độ ẩm cao sẽ là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh gây hại như sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, bệnh khô vằn.... Do đó nông dân cần bám sát đồng ruộng, theo dõi, phát hiện và phòng trừ kịp thời.
Nguồn: Đ/c Vũ Văn Kiên CTHĐQT kiêm giám đốc HTXDVNN