Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là lãnh tụ của Đảng, của dân tộc ta. Người để lại cho Đảng và dân tộc Việt Nam một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó có tư tưởng về nêu gương. Cuộc đời, thân thể và sự nghiệp cách mạng vô cùng vẻ vang của Người là tấm gương lớn sáng ngời cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam noi theo. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải luôn gương mẫu, đi đầu trong việc học tập, làm theo và nêu gương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa nói và làm, tư tưởng và hành động. Mỗi việc làm, mỗi hành động của Người đều chứa đựng những tư tưởng lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”. Phải “tu thân chính tâm” mới có thể trị quốc, bình thiên hạ. Tức là, trước hết tự mình phải tu dưỡng, rèn luyện, làm gương. Mình muốn hướng dẫn nhân dân thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Người thường nói: “không cần nói nhiều, mà làm cho thật nhiều. Những người tốt, những cán bộ tốt muốn làm việc to chứ không phải muốn làm quan lớn”. Điều này đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu rất quan trọng, vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Vì vậy, là cán bộ, đảng viên, tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, trở thành tấm gương sống về đức và tài, toàn tâm, toàn ý, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân. Về chất lượng của Đảng, đảng viên, Người nhấn mạnh: “Đảng không cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”.
Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người luôn giáo dục cán bộ, đảng viên phải thực hiện nêu gương. Thực sự gương mẫu là phương thức, phương pháp lãnh đạo đúng đắn, khoa học, hiệu quả của Đảng với quần chúng cách mạng. Cán bộ, đảng viên phải làm gương cho nhân dân nơi theo; để giáo dục và học tập lẫn nhau cùng xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới văn minh, tiến bộ. Người chỉ đạo: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Người chỉ rõ, người tốt việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có, ngành nào cũng có địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Tháng 6 năm 1968, Người trực tiếp chỉ đạo xuất bản sách Người tốt việc tốt để mọi người học tập, làm theo, lan tỏa những cái tốt, cái đẹp trong xã hội.
Theo Người, để nêu gương, thì trước hết bản thân mình phải làm gương trong mọi việc từ nhỏ đến lớn, trở thành phong cách, thói quen tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày. Người nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhân dân cũng noi gương theo Đảng mà tin và làm theo. Thực tế chứng minh, phương châm ấy đã làm nên sức mạnh vô địch về trí tuệ, tâm hồn, khí phách người Việt ta, đưa nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn thách thức, đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Người nhiều lần nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên phải “tiền ưu, hậu lạc” tức là phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, hy sinh cống hiến trước, hưởng thụ sau nhân dân...
Người chỉ rõ: để mọi người noi gương thì bản thân cán bộ, đảng viên phải là “người tốt, việc tốt”, phải là “tấm gương tốt” về mọi mặt trong đời sống xã hội và trong công tác, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. “Nêu gương” theo Người là phương pháp tốt nhất vận động quần chúng, thuyết phục quần chúng, tập hợp quần chúng làm cách mạng. Quần chúng nhìn cán bộ, đảng viên tiên phong làm trước, phấn đấu hy sinh vì mục tiêu cách mạng cao cả, họ sẽ tự giác nghe theo, tin và làm theo.
Người cho rằng trong mọi công việc, người cán bộ phải đi đầu, từ chỉ đạo đến vận động, tập hợp lực lượng, triển khai thực thi nhiệm vụ. Trong quá trình lãnh đạo hay thực thi công việc, người cán bộ đều phải ở vị trí tiên phong, nêu gương, sẵn sàng xông pha đi đầu vào những nơi khó khăn, nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh tâm đắc: “Đối với các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, thì một tấm gương sống, còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập, nâng cao trình độ về mọi mặt, nhất là về lý luận chính trị. Người dạy: “... mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”; phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực chủ động hoàn thành kế hoạch học tập.