TIN TỔNG HỢP KHÁC
HƯỚNG DẪN MỘT SỐ BIỆN PHÁP SẢN XUẤT VỤ MÙA 2022
05/07/2022 12:00:00

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ BIỆN PHÁP SẢN XUẤT VỤ MÙA 2022

Đến thời điểm này, bà con nông dân trong toàn xã đã cày ngả xong 100% diện tích. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch sản xuất vụ mùa 2022, định hướng sản xuất cây vụ đông 2022-2023 của Uỷ ban nhân dân huyện, chủ động khắc phục được những diễn biến bất thuận của thời tiết gây khó khăn cho sản xuất vụ mùa 2022. Đặc biệt, để đảm bảo tốt cho việc tổ chức quy vùng lúa chất lượng cao 30 ha trở lên (1 vùng – 1 giống – 1 thời gian) đối với giống lúa BC15, mô hình giống lúa VNR20, TBR225,... Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn, khuyến cáo nông dân tăng cường các biện pháp chăm sóc lúa để lúa xuân chín sớm, cho thu hoạch sớm, nhanh gọn, chuẩn bị các loại giống lúa đảm bảo chất lượng, chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là khả năng chống chịu bệnh bạc lá, gieo cấy đúng lịch thời vụ. Cần thực hiện quy trình canh tác hợp lý, áp dụng đúng chân đất, nghiêm về thời vụ, mật độ gieo cấy, phân bón, các chất hỗ trợ cho sinh trưởng sao cho phù hợp.

1. Cơ cấu trà, giống lúa và thời vụ gieo cấy

- Đối với trà mùa sớm gồm các giống KD18; TBR279, BT7 gieo thẳng 20/6 – 25/6; gieo mạ trên nền đất cứng từ 10-20/6 à cấy khi mạ 7- 10 ngày; gieo mạ dược 05- 20/6 cấy khi mạ 18-20 ngày.

- Đối với trà mùa trung nhóm 1 gồm các giống Q5; KD18; TBR1; BT7; BT7KBL; Nếp 97; Nếp 415; Đài thơm 8; TBR225; VRN20 gieo mạ dược 05-15/6 cấy khi mạ 18-20 ngày, gieo mạ trên nền đất cứng 10/6 – 20/6 cấy khi mạ 7- 10 ngày, gieo thẳng từ 20/6 - 25/6.

- Đối với trà mùa trung nhóm 2 gồm các giống BC15; DT22: gieo mạ dược 05-15/6 cấy khi mạ 18-20 ngày.

- Đối với giống nếp cái hoa vàng cấy ở trà mùa muộn: gieo mạ dược 05-15/6 cấy từ 10 – 20/7.

2. Làm đất và xử lý gốc rạ

Thời gian làm đất gieo cấy vụ mùa rất khẩn trương vì vậy nông dân thu hoạch lúa xuân đến đâu làm đất luôn đến đó, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại để tiêu diệt mầm mống sâu bệnh tồn tại trên gốc rạ, tranh thủ cày, lồng càng nhanh càng tốt, giữ nước mặt ruộng và sử dụng thêm các chế phẩm như Sumitri Tricodecma, penlat P, penlat G (hàm lượng hướng dẫn trên bao bì) hoặc rắc vôi bột 20-25 kg/sào để làm cho rạ phân hủy nhanh và tránh ngộ độc hữu cơ trong đất.

3. Kỹ thuật ngâm ủ

Trong vụ mùa thời tiết thường nắng nóng, nên giống lúa khi ngâm hay bị chua dẫn đến hiện tượng hạt bị thối làm cho tỉ lệ nẩy mầm thấp, thậm chí là không nẩy mầm. Bên cạnh đó một số giống lúa vừa sản xuất trong vụ xuân (giống chuyển vụ) có hiện tượng ngủ nghỉ nên phải phá ngủ nghỉ thì tỷ lệ nẩy mầm mới cao. Để không bị thiệt hại khi ngâm ủ hạt giống, đảm bảo kế hoạch sản xuất vụ mùa, nông dân cần chú ý một số kỹ thuật xử lý, ngâm ủ giống như sau:

- Xử lý thóc giống: Trước khi ngâm nên phơi lại thóc giống: Thóc giống cần phơi lại 1-2 giờ trong nắng nhẹ (không phơi trực tiếp trên sân gạch hay sân xi măng). Phơi lại có tác dụng làm cho hạt hút nước nhanh, xúc tiến hoạt động của hệ thống men, tăng khả năng nẩy mầm.

- Ngâm thóc giống:

+ Đối với thóc giống chuyển vụ (giống mới thu hoạch), cần áp dụng phương pháp xử lý phá ngủ để tăng độ nẩy mầm, nông dân có thể dùng 01 kg supe lân pha với 10 lít nước, khuấy đều để lắng cặn, sau gạn lấy nước trong ngâm với 10 kg thóc giống trong 8-10 giờ, sau đó vớt ra rửa sạch nước chua rồi ngâm tiếp bằng nước sạch với thời gian 24-36 giờ nữa và cứ 5-6 giờ thay nước một lần.

+ Đối với giống không chuyển vụ thời gian ngâm nước thông thường đối với các loại giống lúa thuần trong vụ mùa là 20-36 giờ, các giống lúa lai là 16-18 giờ. Biểu hiện của thóc giống no nước là ngoại hình hạt căng đều, nhìn rõ thấy phôi màu trắng ở đầu hạt hoạc khi cắn nội nhũ (phần gạo ở giữa hạt) thấy bỏ mềm, hơi cứng ở lõi là đạt yêu cầu. Trong thời gian ngâm nước cứ 5-6 giờ thay nước một lần.

Lưu ý: + Ngâm thóc giống bằng nước lã sạch tránh nước giếng khơi, nước giếng khoan chưa qua lọc.

+ Dùng chậu, thùng, bao để ngâm thóc giống ở nơi râm mát, không lên dùng bao xác rắn, bao nilon để ngâm ủ.

- Ủ thóc giống: Nhiệt độ nẩy mầm thích hợp với thóc giống là 28-320C. Trong quá trình ủ phải thường xuyên kiểm tra và đảm bảo đủ độ ẩm.

Lưu ý:

+ Ủ thóc trong túi vải, bao tải đay, thúng thoát nước và để ở nơi thoáng mát.

+ Trong quá trình ủ cần kiểm tra thường xuyên, không được để hạt giống sinh nhiệt quá mức làm thui mầm hoặc suy giảm sức sống của hạt giống. Khi thóc đã nhú mầm, nên “ngày ngâm, đêm ủ” để phát triển cân đối mầm và rễ.

+ Trong quá trình ủ nên điều chỉnh mầm của hạt lúa giống sao cho phù hợp với từng điều kiện gieo trồng. Đối với gieo vãi chỉ cần hạt thóc nứt nanh, đối với gieo mạ dược mạ sân thì mầm dài bằng 1/3 chiều dài của hạt thóc và rễ dài bằng hạt thóc, để khô ráo thì mang gieo.

4. Phương thức gieo mạ

- Trên chân ruộng thấp trũng áp dụng kỹ thuật gieo mạ dược thưa và thâm canh mạ để có cây mạ khỏe.

- Trên chân ruộng cao chủ động nước mở rộng diện tích gieo mạ sân hoặc gieo thẳng.

* Gieo mạ dược: Đất phải cầy bừa kỹ, bón phân hữu cơ vi sinh với lượng 80-100kg + 2-3 kg phân NPK tổng hợp cho 1 sào (không nên bón đạm cho mạ trong vụ mùa).

Mật độ gieo mạ: áp dụng kỹ thuật gieo mạ thưa, với giống lúa thuần 01 kg mộng gieo trên diện tích 25-30 m2, đối với lúa lai là 35-40 m2.

* Gieo mạ sân:

- Chọn đất gieo mạ: Bùn ao (không lấy bùn chua, nơi lá rụng) hoặc bùn ở ruộng đã được bừa cấy, hoặc đất bột (không dùng đất sét, đất chua).

- Phân bón: Phân chuồng ủ mục hoặc phân hôi mục lẫn tro mục (nếu có) tỉ lệ 3 bùn: 1 phân hoặc phân supe lân (1-1,5 kg lân/m­­­­3 bùn).

- Diện tích gieo: Gieo 3-5 m2 cấy cho 1 sào.

- Lượng giống: Tỷ lệ giống nảy mầm trên 95% chỉ cần 01 kg đến 1,5 kg giống cấy cho 1 sào (360 m2).

Yêu cầu kỹ thuật:

+ Ngâm giống khi hạt giống ủ đạt tiêu chuẩn “gai rứa” thì đem gieo.

+ Nơi gieo: Tùy địa điểm cụ thể gieo trên sân, bờ ruộng, vườn nhưng phải đủ ánh sáng chiếu vào (không được gieo dưới gốc cây).

+ Tạo mặt phẳng trên diện tích gieo thoát nước tốt, lót lá chuối hoặc giấy báo trải lên nền đối với địa điểm không phải là sân gạch hoặc bê tông (nếu gieo trên nền gạch hoặc bê tông thì phải có một lớp sỉ than hoặc đất bột để tạo độ thấm nước khi tưới).

+ Trộn bùn hoặc đất bột, với phân chuồng, phân hôi mục tỷ lệ 1:3 (1 phân 3 đất) hoăc lân đảo đều chang, gạt phẳng độ dầy 1,5-2cm, (yêu cầu bùn không được quá khô hoặc quá ướt). Nếu dùng đất bột khô san phẳng tưới đẫm sau đó gieo mộng và dùng đất bột nhỏ phủ mỏng, tuyệt đối không được tưới khi vừa mới gieo.

+ Chia giống ra nhiều phần, gieo nhiều lần cho đều.

+ Ngâm 0,5 kg lân Supe vào nước giải dự trữ. Khi mạ đạt 1,5 lá hòa loãng ra tưới yêu cầu tưới lại bằng nước lã để tránh mạ bị cháy sém do phân bón.

+ Cần phải giữ ẩm cho mạ thường xuyên.

5. Phân bón

Phân bón cho lúa mùa cần tuân thủ nguyên tắc bón phân cân đối, bón lót sâu, bón nặng đầu, nhẹ cuối, bón NPK hỗn hợp đặc biệt lót toàn bộ phân lân hoặc NPK chuyên lót trước khi cấy (cây trồng cần lân trong 4 tuần đầu) lót 20% kali; 30% bón thúc; 50% bón đón đòng, không bón lai dai, đặc biệt là bón đạm vào giai đoạn lúa làm đòng sẽ gây thừa đạm, lá non, mềm dễ bị nhiễm bệnh bạc lá trong vụ mùa.

6. Dịch hại

* Sâu bệnh hại:

- Vụ mùa thời tiết nắng ấm, lúa sinh trưởng nhanh, nguồn thức ăn dồi dào là điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, phát triển đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu – rầy lưng trắng, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn do đó cần phải theo dõi chặt chẽ, dự báo dự tính sâu bệnh hại, phát hiện sớm, ngăn ngừa kịp thời, không để cơ hội và điều kiện cho sâu bệnh phát sinh thành dịch (theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện).

- Tiến hành phun trừ rầy trên mạ dược, mạ sân trước khi gieo cấy 3-5 ngày để phòng trừ bệnh vàng lụi, lùn sọc đen (nhất là trên những chân ruộng đã bị nhiễm bệnh từ vụ mùa năm trước).

- Đối với cỏ dại: Tất cả diện tích gieo mạ dược cần phải dùng thuốc cỏ có độ an toàn cao như Sofit 300EC, phun khi ruộng có lớp nước mỏng, không được hoà với bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào với thuốc cỏ để phun, phun khi trời mát.

- Đối với chuột hại: Tập trung diệt chuột bằng mọi biện pháp (thủ công, bẫy bả, dùng thuốc hoá học) đặc biệt chú ý diệt chuột tại các khu vục gò đống, bãi rác, khu chuyển đổi, khu dân cư,... (Nghiêm cấm các hình thức sử dụng điện để diệt chuột).

- Đối với ốc bươu vàng: Đây là đối tượng gây hại ở giai đoạn mạ mới gieo, ngay từ khi đưa nước tưới dưỡng cho ruộng mạ gây tổn thất lớn về mật độ. Vì vậy các hộ nông dân cần kiểm tra, nếu phát hiện có ốc bươu vàng cần phải xử lý ngay, bắt thủ công nếu mật độ thấp, còn mật độ cao thì xử lý bằng thuốc hóa học.

Nguồn: Đ/c Vũ Văn Kiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTXDVNN xã Hồng Đức

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ HỒNG ĐỨC - HUYỆN NINH GIANG

Trưởng Ban Biên tập: Ông Tạ Ngọc Quyên - Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: UBND xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0987071329

Email: 

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 1
Tất cả: 99,805