HƯỚNG DẪN
KỸ THUẬT CHĂM SÓC LÚA MÙA 2023
Hiện nay, nông dân trong xã đang tích cực gieo cấy và tập trung các biện pháp chăm sóc lúa mùa. Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, hạn chế sâu bệnh và đảm bảo mục tiêu kế hoạch sản xuất vụ mùa, định hướng sản xuất cây vụ đông của UBND xã. HTX Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn, khuyến cáo nông dân khẩn trương làm tốt một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa mùa như sau:
I. Chế độ nước
Sau cấy cần giữ mực nước ổn định 2-3 cm và 1-2 cm đối với ruộng vãi để cây lúa phát triển thuận lợi, đẻ nhánh sớm, tập trung, tăng khả năng chống nóng cho cây lúa. Khi ruộng lúa đã đẻ đủ số dảnh hữu hiệu, kín hàng cần phải tháo cạn nước, phơi khô mặt ruộng từ 5-7 ngày, đặc biệt đối với lúa vãi để cho lúa cứng cây, giúp rễ ăn sâu và hạn chế lúa đẻ nhánh vô hiệu, sau đó đưa nước vào duy trì mực nước mỏng trong suốt quá trình chăm sóc, phòng trừ dịch hại, lúa có đòng đến trỗ bông, nuôi hạt.
II. Chế độ phân bón
Phân bón cho lúa mùa cần tuân thủ nguyên tắc bón phân đủ, cân đối đạm - lân - kali, bón lót sâu, bón thúc đẻ nhánh sớm, tập trung, không bón lai rai, bón đón đòng đúng thời điểm, không bón đạm đơn hoặc NPK có hàm lượng đạm cao vào giai đoạn lúa làm đòng vì cây lúa thừa đạm, lá non, mềm dễ bị nhiễm bệnh bạc lá trong vụ mùa. Lượng phân bón, chủng loại phân bón và thời điểm bón như sau:
1. Đối với ruộng lúa cấy
- Bón thúc đẻ nhánh: Sau cấy cần thường xuyên thăm đồng, chú ý theo dõi sinh trưởng của cây lúa, khi lúa bén rễ hồi xanh tiến hành bón thúc sớm, tốt nhất bón sau cấy từ 5-7 ngày (chậm nhất không quá 10 ngày) để cây lúa đẻ nhánh tập trung. Tuỳ theo chân đất, giống và lượng phân bón đã bón lót để cân đối lượng phân bón. Có thể dùng một trong các loại phân bón tổng hợp NPK sau:
Phân Đầu trâu Bình Điền L1: | 6-7 kg + 1-2 kg Urê/sào |
hoặc phân bón Con ó R2: | 6- 7 kg +1-2 kg Urê/sào |
hoặc phân Ninh Bình 17:5:16: | 6- 7 kg+ 1-2 kg Urê/sào |
hoặc Con cò 16:16:8 hoặc loại 10:6:4: | 6- 7 kg + 1-2 kg Urê/sào |
hoặc NPK Phú Mỹ 16: 16: 8+ 13S+ TE | 6- 7 kg + 1-2kg Urê Phú Mỹ/sào |
hoặc NPK Quế Lâm 20:15:5+TE+Bo | 6- 7 kg + 1-2 kg Urê/sào |
2. Đối với lúa gieo vãi
- Bón thúc lần 1: Khi lúa 2,5-3 lá cần phải tập trung bón một trong các loại phân sau: Phân phân Đầu trâu L1; Con ó R2; Ninh Bình 17:5:16; Con cò 16:16:8 hoặc loại 10:6:4; NPK Phú Mỹ 16: 16: 8+ 13S + TE... với lượng bón 2-3 kg/sào.
- Bón thúc lần 2: Khi lúa 4-5 lá cần phải tập trung bón một trong các loại phân sau: Phân phân Đầu trâu L1; Con ó R2; Ninh Bình 17:5:16; Con cò 16:16:8 hoặc loại 10:6:4; NPK Phú Mỹ 16: 16: 8+ 13S + TE; NPK Quế Lâm 20:15:5+TE+Bo... với lượng bón 3- 4 kg/sào + 1-2 kg Urê/sào.
(Kết hợp với tỉa dặm mật độ 100 khóm/m2).
* Lưu ý:
- Chủ động dự phòng các giống lúa ngắn ngày và giâm giữ mạ còn thừa sau cấy để cấy dặm hoặc gieo cấy lại các diện tích lúa chết do nắng nóng hoặc ngập úng;
- Trước khi bón thúc đẻ nhánh cần xử lý triệt để bệnh nghẹt rễ, vàng lá lúa và cỏ dại để giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng của lúa.
- Những diện tích lúa bị hiện tượng nghẹt rễ sinh lý do ngộ độc chất hữu cơ làm cho bộ rễ bị thâm đen, lá úa vàng. Để khắc phục nông dân tuyệt đối không bón đạm, tiến hành thay tháo nước 1-2 lần, làm cỏ sục bùn cho ôxy lưu thông vào đất và bón thêm vôi bột 15 kg và 10 kg lân supe/sào hoặc bổ sung chế phẩm nấm Tricoderma kết hợp phun phân bón qua lá để lúa nhanh hồi phục. Khi cây lúa ra rễ trắng, lá mới thì mới bón phân theo hướng dẫn trên.
Trên đây là hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa mùa 2023, HTX Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn, khuyến cáo. Đề nghị các hộ nông dân trong xã quan tâm theo dõi thực hiện, các ông bà trưởng thôn tăng cường kiểm tra trên đồng ruộng chỉ đạo kịp thời các tổ thủy nông đảm bảo nước dưỡng cho nông dân chăm bón.
Vũ Văn Kiên – Chủ nhiệm HTXDVNN